Các ngân hàng trung ương châu Á tăng dự trữ ngoại hối
Các ngân hàng trung ương (NHTW) ở các nền kinh tế mới nổi châu Á, chưa bao gồm các nền kinh tế phát triển là Nhật Bản và Australia, đã bổ sung thêm 467,7 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối của mình trong năm ngoái, nâng tổng lượng dự trữ lên 5,74 nghìn tỷ USD.
Mặc dù kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là lớn nhất thế giới, thế nhưng phần lớn sự gia tăng trong năm ngoái lại đến từ phần còn lại của châu Á. Theo đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tăng lượng dự trữ ngoại hối và hiện kho dự trữ 583,7 tỷ USD của Ấn Độ có thể vượt qua Nga để trở thành quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ tư thế giới. Có được kết quả này chủ yếu là do thặng dư tài khoản vãng lai và dòng vốn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán của Ấn Độ trong năm ngoái.
Dự trữ của Indonesia đã tăng lên mức kỷ lục 138 tỷ USD vào tháng Giêng, cung cấp một bộ đệm đủ mạnh để bảo vệ đồng Rupiah. Trong khi Philippines đã tích lũy được mức dự trữ ngoại hối cao nhất mọi thời đại là 110 tỷ USD trong tháng 12/2020 nhờ vào lượng tiền gửi về từ những người lao động ở nước ngoài. Hiện dự trữ ngoại hối của Thái Lan cũng vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại là 259,2 tỷ USD đạt được vào tháng Giêng.
Mức độ tăng thêm trong năm ngoái là cao nhất kể từ năm 2013 khi các thị trường trong khu vực bị xáo trộn bởi thông tin thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Còn nhớ Chủ tịch Fed khi đó là ông Ben Bernanke nói rằng ông có kế hoạch điều chỉnh lại chương trình mua trái phiếu khổng lồ. Thông tin đó đã khiến các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu trên toàn cầu, đẩy lợi suất tăng mạnh, từ đó gây ra sự biến động tiền tệ và làm tăng chi phí đi vay trong khu vực châu Á.
Triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện tích cực trong năm nay khi vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai đã làm tăng lợi suất trái phiếu và lo ngại rằng Fed có thể rút hỗ trợ sớm hơn dự kiến.
“Những cú sốc (như năm 2013) có thể ám ảnh các NHTW thị trường mới nổi một lần nữa nếu Fed sớm rút khỏi chương trình mua trái phiếu của họ”, Chua Hak Bin - một nhà kinh tế cấp cao của Maybank Kim Eng Research Pte ở Singapore cho biết. Theo vị chuyên gia này, đó sẽ là một đòn giáng nữa đối với các thị trường mới nổi vốn nghèo hơn, nên chịu nhiều thiệt thòi do việc triển khai vắc-xin không đồng đều và tác động từ việc đóng cửa ngăn ngừa dịch bệnh.
Trong một động thái liên quan, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) vừa đột xuất đề nghị mua 3 tỷ đôla Australia (2,35 tỷ USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm khi mà thị trường trái phiếu toàn cầu đang có xu hướng bán tháo, đẩy lợi suất tăng cao hơn mục tiêu 0,1%. Tuy nhiên, động thái trên không có mấy tác động đến thị trường khi mà giá trái phiếu đang giảm mạnh nhờ kỳ vọng về tăng trưởng và lạm phát toàn cầu hồi phục nhanh hơn.
Mặc dù việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong năm ngoái đã cung cấp cho châu Á một bộ đệm quan trọng chống lại sự tăng vọt gần đây của lợi suất trái phiếu toàn cầu như đã từng diễn ra năm 2013. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư chảy vào được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên theo Khoon Goh - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Australia & New Zealand Banking Group Ltd., việc Bộ Tài chính Mỹ tăng cường giám sát về “thao túng tiền tệ” có thể kìm hãm tốc độ tăng dự trữ ngoại hối tại các nền kinh tế mới nổi châu Á trong năm nay.
Theo Alex Wolf - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư khu vực châu Á của JP Morgan Private Bank ở Hồng Kông, châu Á có vẻ sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi theo chu kỳ với tỷ giá thực thấp để chống lại sự biến động. “Hãy nhớ rằng, ở một góc độ nào đó lợi suất tăng là phản ánh của sự lạc quan về tăng trưởng, thì phần lớn sự tăng trưởng đó sẽ đến từ châu Á vào năm 2021”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận