Các loại thực phẩm Tết rục rịch tăng giá
Trên thị trường, hiện thực phẩm khô rất sôi động, giá có nhích lên đôi chút so với trước nhưng không gây biến động.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo mức tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng hóa với lượng tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho sau Tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, doanh nghiệp bán lẻ đã tăng dự trữ hàng hóa từ 30 - 50% so với năm trước. Cùng đó, bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) chia sẻ, doanh nghiệp này đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết; đảm bảo bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố.
Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%; trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội.
Trên thị trường, hiện thực phẩm khô rất sôi động, giá có nhích lên đôi chút so với trước nhưng không gây biến động. Nguyên nhân là nhiều siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp và tiểu thương đã chuẩn bị dự trữ lượng hàng đủ lớn đảm bảo không khan hàng sốt giá. Các siêu thị lớn đã "khóa giá" nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương kinh doanh đồ khô tại chợ đầu mối Bắc Qua cho biết, mặc dù cuối tháng 1/2020 mới đến Tết Canh Tý nhưng các tiểu thương kinh doanh thực phẩm khô đã dự trữ một số mặt hàng như: măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… từ rất sớm để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Tại chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Châu Long, các tiểu thương đã tăng cường thu mua nhưng hiện giá bán mặt hàng thực phẩm khô có biến động nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt hàng miến dong giá bán còn thấp hơn năm trước 5-7%. Hiện mộc nhĩ có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg; măng khô loại 1 có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương có giá 240.000 - 270.000 đồng/kg; miến 60.000 - 65.000 đồng/kg; lạp sườn 200.000 - 220.000 đồng/kg…
Hà Nội là nơi phát luồng hàng đi các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên vào thời điểm giáp Tết, thực phẩm khô càng được nhập về nhiều để chuyển đi các tỉnh lân cận tiêu thụ.
Giá các mặt hàng này không biến động trong thời điểm cận Tết là do thời gian qua có nhiều thông tin về thực phẩm khô bày bán tại chợ truyền thống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngâm tẩm hóa chất gây hại cho sức khỏe khiến người tiêu dùng ngại mua sắm tại các chợ truyền thống. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, không ít người tìm đến những kênh bán hàng khác như nhờ người thân mua ở quê, mua ở siêu thị hay cửa hàng bán thực phẩm sạch, uy tín.
Nhiều siêu thị cũng bắt đầu triển khai chương trình khuyến mại với mức giảm giá từ 5 - 40%. Các doanh nghiệp bán lẻ như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận