Các gói hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay rất tốt nhưng chưa đủ
Trong đại dịch Covid-19, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, làm đầu tàu kéo nền kinh tế đi lên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn cũng rất quan trọng.
Dịch bệnh Covid-19 đang cho thấy những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết doanh nghiệp tại các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô khiến thu nhập của người lao động, vấn đề về việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.
Theo Tổng cục Thống kê, có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh Covid-19. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15-54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. Đáng lo ngại ở chỗ, những ảnh hưởng này kéo theo các hệ luỵ về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến sức khoẻ của các doanh nghiệp, theo nhiều chuyên gia, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường, các doanh nghiệp sẽ rất khó đứng vững, kéo theo đó là nền kinh tế khó phục hồi.
Hiện có 4 gói tài khóa đã được thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bao gồm: Gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhỏ và vừa; gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế; gói 62.000 tỷ cứu trợ cho người mất việc và gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.
Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng. Đây là tỷ lệ quá thấp. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, có rất ít doanh nghiệp và người lao động bị dịch Covid-19 ảnh hưởng được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.
Đối với gói 300.000 tỷ, cùng sự đóng góp thêm của các ngân hàng, số dư đã lên đến 700.000 - 800.000 tỷ đồng, nhưng lượng khách hàng nhận được ưu đãi là không nhiều. Nguyên nhân là do các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn như Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Còn đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, theo nhiều chuyên gia, hỗ trợ này chỉ có lợi cho những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có lãi, không có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, thua lỗ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp có lãi. Còn khi các doanh nghiệp đã không có lãi, thậm chí là lỗ thì có giảm 100% thuế cũng không có ý nghĩa gì.
Chính vì vậy, theo ông Hiếu, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt nhưng chưa đủ. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, làm “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi lên, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng rất quan trọng
Các doanh nghiệp lớn "sóng to thì thuyền to", họ có nhiều điều kiện sống sót hơn trong khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực tài chính rất yếu, nếu không ai giúp, họ sẽ không thể tồn tại qua dịch bệnh.
Hiện nay, 97% các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này, nền kinh tế sẽ mất đi một số lượng lớn các doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, ông Hiếu phân tích và nhấn mạnh, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, trong đó, cần ưu tiên dùng những khoản tiền lớn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bàn về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiện đang lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang mất thanh khoản. Các doanh nghiệp này mất khả năng chi trả lương cho người lao động, nợ vay ngân hàng, trả tiền cho nhà cung cấp, đối tác và tất cả các loại lệ phí, chi phí của ho phải thanh toán.
Nếu không thanh toán được, doanh nghiệp sẽ bị kiện đưa ra toà và phá sản rất nhanh. Do đó, vấn đề rất quan trọng của Chính phủ là phải hỗ trợ để họ có dòng vốn duy trì sự sống.
Để làm được điều này, theo ông Hiếu, Nhà nước cần phải cải cách, cải tổ lại các quỹ bảo lãnh tín dụng. Trước đây, Việt Nam đã có Nghị định 34 của Chính phủ về quỹ bao lãnh tín dụng, ban hành năm 2018. Tuy nhiên, quỹ này quá nhỏ bé, vốn điều lệ trong khoảng 100 tỷ và không được bảo lãnh quá 3 lần vốn điều lệ.
Mặt khác, quỹ bảo lãnh tín dụng còn phải hoạt động dưới nguyên tắc bảo toàn vốn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng rất ngại cho vay đối với các doanh nghiệp yếu kém do lo sợ các doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ.
Do đó, Chính phủ cần tái cấu lại các quỹ bảo lãnh tín dụng, thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ quốc gia với vốn điều lệ lớn cho doanh nghiệp vay. Có như vậy mới có thể bơm tiền cho các doanh nghiệp để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội cuối tuần qua của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề xuất việc cần trình các cấp có thẩm quyền có các điều chỉnh chính sách tài khoá mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng.
Theo ông Dũng, các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận