Các công ty đa quốc gia tách riêng hoạt động ở Trung Quốc với toàn cầu
Để ứng phó rủi ro căng thẳng ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, các công ty đa quốc gia đang thử áp dụng chiến lược mới để duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc: tách riêng hoạt động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với toàn cầu.
Tách riêng hoạt động tại Trung Quốc
Hãng phần mềm Salesforce (Mỹ) đang dựa vào một đối tác địa phương để vận hành một số sản phẩm và dịch vụ ở Trung Quốc. Động thái này giúp tách biệt hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc khỏi các hoạt động toàn cầu của Salesforce.
Hãng xe Volkswagen của Đức có kế hoạch giữ lại công nghệ mà hãng hợp tác phát triển với một nhà sản xuất chip địa phương bên trong Trung Quốc. Bước đi này sẽ giúp Volkswagen không ảnh hưởng nặng nề nếu công nghệ này bị phương Tây giám sát hoặc trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ.
Lixil, nhà sản xuất sản phẩm phòng tắm của Nhật Bản, chủ sở hữu các thương hiệu bao gồm American Standard và Grohe, đang tổ chức lại chuỗi cung ứng để sản xuất các sản phẩm cho thị trường Trung Quốc ngay tại Trung Quốc và sản xuất các sản phẩm cho thị trường Mỹ chủ yếu ở Bắc Mỹ.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 6, Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital thông báo sẽ tách hoàn toàn các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và Mỹ vào tháng 3-2024.
Các bước đi trên có thể giúp các công ty đa quốc gia ngăn chặn các vấn đề liên quan đến Trung Quốc lan sang hoạt động toàn cầu của họ nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
Xiaomeng Lu, giám đốc của hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group, nói: “Họ đang chuẩn bị cho một thời kỳ kéo dài của căng thẳng Mỹ-Trung”.
Một số công ty phương Tây đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, bao gồm chuyển chuỗi cung ứng sang những nơi như Ấn Độ hoặc Việt Nam.
Nhưng việc giữ các hoạt động tại Trung Quốc cho phép họ tiếp tục duy trì hiện diện để có thể tiếp tục bán hàng ở thị trường khổng lồ của nước này, với ít rủi ro tiềm ẩn hơn, nếu Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc hoặc Bắc Kinh trả đũa các doanh nghiệp phương Tây.
Việc thiết lập các chuỗi cung ứng khác nhau cho thị trường Mỹ và Trung Quốc, có thể tốn kém và không bảo đảm giúp các công ty đa quốc giá tránh được hoàn toàn các tổn thất tổn thất nếu xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nghiêm trọng hơn.
“Chi phí bổ sung khi cố gắng tạo ra hai chuỗi giá trị riêng biệt có sẽ cao đến mức không thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với các công ty nhỏ”, Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC), nói.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của EUCCC công bố hôm 21-6 cho thấy 27% trong số 480 công ty thành viên của tổ chức này cho biết đã thực hiện sự tách rời giữa trụ sở chính và hoạt động tại Trung Quốc trong hai năm qua, tăng 7 điểm phần trăm so với năm trước.
Các hoạt động tách rời bao gồm phát triển công nghệ thông tin hoặc lưu trữ dữ liệu ở thị trường Trung Quốc độc lập với phần còn lại của thế giới.
Giúp cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc
Các công ty phương Tây có những lý do khác để nội địa hóa hoặc cô lập các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của họ. Chẳng hạn, chiến lược này có thể giúp họ phản ứng nhanh hơn với thị trường địa phương và có khả năng chống lại sự cạnh tranh từ các đối thủ bản địa tốt hơn.
Các yêu cầu thắt chặt về bảo mật dữ liệu của Trung Quốc cũng buộc họ phải lưu trữ dữ liệu riêng ở nước này. Thay vì điều hành các trung tâm dữ liệu riêng ở Trung Quốc, Salesforce, nhà cung cấp phần mềm kinh doanh, quyết định hợp tác với Alibaba Cloud, dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc và là đơn vị của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group, để cung cấp dịch vụ.
Mối quan hệ hợp tác chính thức giữa họ, bắt đầu trước đại dịch, đã được mở rộng để cung cấp nhiều sản phẩm bản địa hóa hơn cho Trung Quốc và được lưu trữ trên Alibaba Cloud. Sự sắp xếp đó giúp tách Trung Quốc khỏi phần còn lại từ hoạt động kinh doanh toàn cầu của Salesforce. Một số sản phẩm toàn cầu của Salesforce không có sẵn trên nền tảng Alibaba Cloud. Mùa hè năm ngoái, Salesforce đã sa thải nhân viên ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời đóng cửa văn phòng tại Hồng Kông.
Người phát ngôn của Salesforce cho biết công ty đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phục vụ khu vực tốt hơn, Các công ty khác đang tách riêng công nghệ mà họ sử dụng hoặc phát triển ở Trung Quốc.
Năm ngoái, Cariad, công ty phần mềm của Volkswagen đã đầu tư 1 tỉ đô la vào Horizon Robotics, một nhà sản xuất chip và phần mềm ô tô của Trung Quốc, tập trung vào công nghệ tự lái. Sau đó, Cariad chi thêm khoảng 1,4 tỉ đô la để mua 60% cổ phần trong liên doanh mới với rizon Robotics để nhắm đến các mục tiêu bao gồm sản xuất chip tiết kiệm năng lượng, giúp ô tô của Volkswagen cạnh tranh hơn ở Trung Quốc.
Công nghệ chip đặc biệt nhạy cảm trong mối quan hệ Mỹ-Trung, sau khi Washington hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc và Bắc Kinh cấm một số công ty mua sản phẩm của Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.
Volkswagen cho biết việc duy trì các công nghệ phát triển ở Trung Quốc là một phần trong chiến lược toàn cầu nhằm xây dựng tính độc lập khu vực nhiều hơn và hạn chế hậu quả do căng thẳng địa chính trị gây ra.
Con đường nửa vời
Nhiều nhà sản xuất đa quốc gia cố gắng tạo ra các chuỗi cung ứng song song, một tập trung vào Trung Quốc và một tập trung vào các thị trường khác. Lixil đang rời xa mô hình bán sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và châu Á ra khắp thế giới. Kinya Seto, CEO của Lixil, cho biết, công ty đặt mục tiêu bán phần lớn sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc ngay tại thị trường này, trong khi sản xuất 80% sản phẩm mà công ty bán ở Mỹ tại Mexico. Trước đây, hầu hết các sản phẩm của Lixil bán ở Mỹ đều đến từ châu Á.
Tháng trước, Merck, hãng mỹ phẩm và hóa chất của Đức, cho biết đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để hầu hết các sản phẩm họ sản xuất tại Trung Quốc sẽ dành cho thị trường bản địa nhằm “giảm thiểu rủi ro” trước những căng thẳng địa chính trị.
Giám đốc tài chính của Merck, Marcus Kuhnert nói: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi cố gắng hạn chế nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng từ các nước khác vào Trung Quốc, đặc biệt là từ Mỹ”.
Theo các nhà tư vấn kinh doanh, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều công ty thảo luận về các kế hoạch dự phòng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn giữa Trung Quốc và Đài Loan, lãnh thổ mà Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền. Trong trường hợp xấu nhất, một số lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia lo sợ họ có thể phải cắt giảm hoặc đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, như trường hợp của Nga.
Christopher K. Johnson, người đứng đầu Công ty tư vấn rủi ro chính trị China Strategies Group, nhận định việc rời khỏi thị trường có quy mô lớn như Trung Quốc có thể khó khăn hơn đối với các công ty đa quốc gia.
“Chiến lược cô lập hoạt động tại Trung Quốc với toàn cầu là một con đường nửa vời giữa việc hoàn toàn rời bỏ Trung Quốc và phớt lờ trước những xu hướng đáng lo ngại xung quanh họ”, Johnson nói.
Một số công ty cho rằng chiến lược duy trì chuỗi cung ứng song song dù tốn kém nhưng đáng giá. Người phát ngôn của Lixil ghi nhận chi phí đã tăng lên khi công ty tổ chức lại chuỗi cung ứng, nhưng những khoản chi phí một lần đó sẽ giúp Lixil có vị thế tốt hơn nếu tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu xảy ra trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận