Các chuyên gia dự báo gì về lãi suất liên ngân hàng?
Sau đợt biến động hầu hết các ý kiến đều cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định trong nửa cuối tháng 5 và giảm nhẹ tại thời điểm cuối quý 2/2021...
Như VnEconomy đã đưa tại nhiều bản tin trước, kể từ giữa tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, lãi suất liên ngân hàng liên tục có những bước điều chỉnh tăng mạnh.
Trong đó, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn đều lần lượt vọt qua mốc 1%/năm và thiết lập mặt bằng mới cao gấp 3 lần thời điểm hồi đầu năm.
Bên cạnh, quy mô giao dịch vay mượn nhau cũng tăng đột biến. Trung bình tuần đầu tháng 5, mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương tăng 14% so với tuần trước. Thậm chí nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, giá trị bình quân mỗi phiên đã tăng gấp đôi.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hiện chênh lệch tín dụng – huy động bị nới rộng trong 4 tháng đầu năm nên đã tạo áp lực ngắn hạn trong đầu tháng 5 đối với thanh khoản hệ thống.
Tuy nhiên, chuyên gia của KBSV cũng cho rằng diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian qua sẽ khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng. Do đó, lãi suất liên ngân hàng cũng dần ổn định trở lại.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh rằng dù thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào hơn so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều thời điểm trước dịch Covid-19. Vì vậy, lãi suất cao chưa đáng ngại.
Thực tế diễn biến những phiên giao dịch nửa sau tháng 5 đang cho thấy điều này, lãi suất liên ngân hàng có tăng nhẹ nhưng cũng có giảm nhẹ.
Cụ thể, ngày 18/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,05 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm. Phiên ngay sau đó (19/5), một loạt kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống lại tăng nhẹ 0,02 -0,03 điểm phần trăm. Nhìn chung, các mức lãi suất kỳ hạn ngắn xoay quanh vùng qua đêm 1,2%; 1 tuần 1,31%; 2 tuần 1,43% và 1 tháng 1,49%.
Đưa ra dự báo xa hơn, KBSV cho rằng, ngoài diễn biến phức tạp từ dịch bệnh khiến tín dụng khó tăng thì dòng tiền thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản đáng kể cho hệ thống ngân hàng.
“Các yếu tố này sẽ khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hàng hạ nhiệt trở lại trong giai đoạn cuối quý 2/2021”, KBSV nhận định.
Đây cũng là dự báo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) khi tin tưởng rằng, thời điểm một lượng thanh khoản lớn đổ hệ thống bởi Ngân hàng Nhà nước từ việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng được giao, lãi suất VND liên ngân hàng sẽ hạ xuống mặt bằng cũ.
Được biết, Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cũng đã đưa ra nhận định diễn biến của tháng 5 cũng như dự tính cho ba tháng tới của lãi suất liên ngân hàng.
Theo đó, trong tháng 5/2021, các thành viên VIRA thể hiện rõ khi một số dự báo kỳ vọng “tiền rẻ” sẽ quay lại, với mức lãi suất 1 tuần trên liên ngân hàng giảm về quanh 0,4%/năm. Khá nhiều thành viên vẫn kỳ vọng mức bình ổn dưới 1%/năm, nhưng đã có những dự báo bám sát thực tế đang trên mốc 1%/năm. Dự báo bình quân tháng này ở mức 0,88%, dù vậy vẫn cho thấy xu hướng tăng lên của lãi suất khi so với bình quân thực tế 0,63% của tháng trước.
Một điểm được chú ý, hầu hết các thành viên VIRA vẫn kỳ vọng lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên liên ngân hàng giữ được ổn định, thậm chí vẫn giữ được dưới mốc 1%/năm bình quân ba tháng tới, chỉ khoảng 0,83%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận