menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quân Ri Cha

Cá tra phục hồi nhẹ nhưng ai còn đủ kiên nhẫn để 'theo đuổi cuộc chơi'?

Với diễn biến bất lợi ở khu vực sản xuất, khiến người nông dân nuôi cá thương phẩm lẫn cá giống phải lần lượt “rời bỏ cuộc chơi”.

Xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm 2024 có những “điểm sáng” nhất định, sau khi ngành hàng này rơi vào cảnh “u ám” trong một năm trước đó.

Cá tra phục hồi nhẹ nhưng ai còn đủ kiên nhẫn để 'theo đuổi cuộc chơi'?
Vùng nuôi cá tra tập trung ở Mỹ Phước, huyện Tân Phước đã treo ao từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Ảnh: Trung Chánh

Cục thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 đạt khoảng 5.700 héc ta, với sản lượng thu hoạch khoảng 1,7 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng đạt 2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay so với con số khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ của năm trước đó, tức tăng khoảng 200 triệu đô la Mỹ.

Có “điểm sáng”, nhưng chưa hết khó!

Kết thúc năm 2023, ngành cá tra mang về khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 25% so với năm trước đó, là năm khá khó khăn đối với ngành hàng cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, ngành cá tra đã có những tín hiệu tích cực hơn về xuất khẩu.

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, hai tháng đầu năm cá tra mang về cho cả nước 255 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là “điểm sáng” cá tra ghi nhận được trong bối cảnh ngành hàng này chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong cả năm ngoái.

Tại hội nghị ngành hàng cá tra mới đây ở tỉnh An Giang, bà Trần Thị Hoàng, Giám đốc khối kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn- đơn vị xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam đánh giá, ngành cá tra có một số tín hiệu tích cực trong năm 2024, bao gồm việc khối Liên minh châu Âu (EU) thông qua quy định cá minh thái có xuất xứ từ Nga, dù được sản xuất ở bên ngoài, khi bán vào đây cũng bị áp thuế 13,7%. Đây được xem là cơ hội cho cá tra bởi cá minh thái vốn là đối thủ cạnh tranh với loại thuỷ sản “vua” này của Việt Nam thời gian qua.

Trong khi đó, VASEP dự báo lạm phát chậm lại, chính sách tiền tệ có nhiều cải thiện giúp kinh tế thế giới phục hồi. Điều này, khiến nhu cầu tiêu dùng của thị trường sẽ khởi sắc, giúp tiêu thụ thuỷ sản tăng trở lại, bao gồm cá tra.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực như nêu trên đang bị “lung lay” khi xu hướng sụt giảm tiếp tục quay trở lại đối với ngành cá tra Việt Nam. Điều này, khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 424 triệu đô la Mỹ, chỉ còn tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái…

Cá tra phục hồi nhẹ nhưng ai còn đủ kiên nhẫn để 'theo đuổi cuộc chơi'?
Vùng nuôi ở xã Thạnh Hoà, huyện Tân Phước cũng chung tình cảnh sau 3 đời chủ đến thuê nuôi cá tra. Ảnh: Trung Chánh

“Teo tóp” dần theo năm tháng!

Trong khi xuất khẩu ẩn chứa nhiều khó khăn thách thức, thì ở khu vực nuôi, không ít nông dân đã quyết định “rời bỏ cuộc chơi” do thua lỗ nặng nề.

Trao đổi với KTSG Online, ông Mai Thanh Châu, ngụ xã Thạnh Hoà, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, ao nuôi quy mô hơn 7 héc ta nằm cạnh nhà ông do một hộ dân ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đến thuê đất nuôi, nhưng đã “bỏ của chạy lấy người” kể từ trước Tết Nguyên đán do bị thua lỗ nặng nề.

Theo ông Châu, đến thời điểm hiện tại, phần diện tích nêu đã qua ba đời chủ đến thuê nuôi cá tra, nhưng tất cả đều không trụ được với loại thuỷ sản được xem là “vua” này của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do thua lỗ. “Đây là một trong số các ao nuôi cá tra được tôi thuê lại để trồng sen lấy ngó”, ông nói và cho biết, mức giá được ông thuê lại quy ra lúa là 5 giạ/công (tương đương 100 kg/1.000 m2) mỗi năm.

Tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang không khó để bắt gặp những vùng nuôi tập trung dạng “khủng” được doanh nghiệp đến thuê đất, đào ao nuôi cá tra, nhưng đành rút lui sau vài vụ thua lỗ.

Chẳng hạn, tại thị trấn Mỹ Phước của huyện Tân Phước, một vùng nuôi rộng trên dưới khoảng 60 héc ta đã ngưng sản xuất kể từ trước Tết Nguyên đán. Trên bờ máy móc đang dần rỉ sét, trong khi dưới sông ghe chở thức ăn cũng nằm im nhiều tháng qua. “Khu này ngưng nuôi lâu rồi, chủ họ cũng đi luôn, chứ đâu còn ai ở đây nữa mà tìm”, một người dân sống cạnh vùng nuôi này nói.

Tại xã Thạnh Hoà, huyện Tân Phước, vùng nuôi tập trung của Công ty V.Q quy mô trên dưới 30 héc ta cũng đã ngưng hoạt động nhiều tháng qua, sau nhiều vụ nuôi thua lỗ.

Trao đổi qua điện thoại với KTSG Online, ông Nguyễn Thành Được, người từng phụ trách trông coi vùng nuôi ở xã Thạnh Hoà, huyện Tân Phước của Công ty V.Q, xác nhận sau nhiều vụ nuôi thất bại, kể cả khi đã chuyển sang loại thuỷ sản khác là cá trê, thì vùng nuôi này đã ngưng hoạt động. “Thua lỗ quá nên ngưng rồi”, ông nói.

Trong khi đó, tại tỉnh Long An, nếu như giai đoạn từ 2017-2019, khi giá cá tra giống đạt mức trên dưới 100.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được ở mức khủng, thì phong trào “nhà nhà đào ao, người người đào ao” từ ruộng lúa để nuôi cá tra giống diễn ra khắp nơi.

Vào thời điểm đó, tỉnh Long An đã trở thành địa phương có diện tích ương nuôi cá tra giống lớn nhất ĐBSCL khi đạt diện tích lên đến gần 3.500 héc ta, dù trước đó Long An không phải là nơi sản xuất loại thuỷ sản chủ lực này.

Tuy nhiên, ở những năm sau đó, cá tra “thoái trào”, người nuôi thua lỗ liên tiếp, khiến diện tích ngày càng bị thu hẹp. Đến năm 2022, tỉnh Long An chỉ còn khoảng 1.300 héc ta, tức giảm khoảng 2.200 so với con số trước đó.

Trao đổi với KTSG Online, ông Huỳnh Hoàng Nam, ngụ xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, người từng chạy theo phong trào nêu trên xác nhận, thời điểm sau Tết nguyên đán vừa qua, ông đã quyết định lấp toàn bộ diện tích 0,7 héc ta ao nuôi cá tra để chuyển sang trồng mít ruột đỏ.

Theo ông, một vụ “trúng”, nhưng có đến 3 vụ “thất” hay nói cách khác một vụ có lãi, nhưng 3 vụ thua lỗ, khiến bao nhiêu tài sản có được trước đó cũng “khăn gói” đi theo con cá tra. “Bây giờ, tỷ lệ nuôi thành công khó hơn trước đây rất nhiều, trong khi giá cá giống chỉ trên dưới 25.000 đồng/kg, thì không có đường nào có lãi cả”, ông cho biết và quyết định từ bỏ.

Báo cáo tổng kết năm 2023 của UBND tỉnh Long An cho thấy, diện tích ương nuôi cá tra giống của địa phương chỉ còn khoảng 910 héc ta, tức tiếp tục giảm so với con số 1.300 héc ta trước đó. Còn riêng quí đầu năm 2024, diện tích ương cá tra giống của tỉnh Long An chỉ đạt 416,7 héc ta, giá bán giảm 2.000-15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, tuỳ kích cỡ con giống và thời điểm…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại