menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Giang

Cả thế giới chỉ còn Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero Covid

Quyết tâm triệt tiêu Covid của Trung Quốc dường như ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, cho dù tỷ lệ dân số tiêm đủ vaccine của nước này đã đạt 75%...

Trong phần lớn thời gian kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu đến nay, nhiều nước trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã áp dụng chiến lược đưa số ca nhiễm về 0 (Zero Covid). Giờ đây, với sự nổi lên của biến chủng Delta và sự phổ biến của vaccine, chỉ còn một nước duy nhất theo đuổi chiến lược này.

Và đó là Trung Quốc.

Với New Zealand chuẩn bị dịch chuyển khỏi chiến lược “Zero Covid”, thế giới chỉ còn Trung Quốc giữ mục tiêu triệt tiêu Sars-CoV2. Vấn đề đặt ra lúc này là Trung Quốc có thể “trụ” được trong bao lâu với các biện pháp đóng cửa biên giới, những đợt phong toả đột ngột, và các hoạt động kinh tế-xã hội có thể bị gián đoạn bất kỳ lúc nào.

MỘT CHIẾN LƯỢC THIẾU BỀN VỮNG?

Theo hãng tin Bloomberg, lần lượt từng quốc gia, từ Singapore tới Australia, đã quyết định rằng triệt tiêu Covid là một chiến lược thiếu bền vững. Vì thế, họ chuyển sang dựa vào vaccine để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong, cùng với đó nới lỏng những nỗ lực kiểm soát số ca nhiễm.

Ngược lại, quyết tâm triệt tiêu Covid của Trung Quốc dường như ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, cho dù tỷ lệ dân số tiêm đủ vaccine của nước này đã đạt 75%. Trung Quốc hiện đang đối mặt với đợt bùng dịch do biến chủng Delta lần thứ tư trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tuần này, một địa phương ở tỉnh Tân Cương phải phong toả sau khi phát hiện 2 ca nhiễm không có triệu chứng đúng vào mùa du lịch cao điểm.

Hồng Kông, vùng lãnh thổ đến nay chưa có ca nhiễm cộng đồng nào do biến chủng Delta, cũng tuyên bố rõ rằng địa vị trung tâm tài chính toàn cầu không quan trọng bằng các kết nối với Trung Quốc đại lục và mục tiêu chung triệt tiêu ca nhiễm.

Nhiệm vụ này có thể trở nên càng khó khăn hơn khi mùa đông đến, bởi thời tiết lạnh giá là điều kiện thuận lợi nhất để Covid lây lan. Chưa kể, 3 tháng nữa, Bắc Kinh sẽ đăng cai Thế vận hội mùa đông, đón hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.

“Zero Covid trong trung đến dài hạn là mục tiêu không bền vững”, bác sỹ bệnh truyền nhiễm Peter Collignon, một giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định với Bloomberg. “Biến chủng Delta cho thấy đó là điều gần như không thể đạt được. Rất khó để Trung Quốc có thể đạt Zero Covid trong mùa đông này”.

Tuy nhiên, thành tích chống dịch là một niềm tự hào của Trung Quốc. Nước này vẫn xem thành công trong việc khống chế virus là một thắng lợi, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác đã chuyển sang coi Covid là một bệnh thường xuyên (endemic).

Sự dịch chuyển chiến lược của New Zealand cho thấy sự thiếu hiệu quả của chiến lược đưa số ca nhiễm về 0. Hồi giữa tháng 8, nước này áp mức độ hạn chế cao nhất sau khi một ca nhiễm Covid được phát hiện ở Auckland. Mọi người không tới công sở làm việc mà làm việc từ xa; phòng gym, nhà hàng, nhà thờ… đều đóng cửa; người dân chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết…

7 tuần sau đó, New Zealand vẫn có hơn 20 ca nhiễm mỗi ngày, khiến Thủ tướng Jacinda Ardern vào hôm 4/10 phải thừa nhận rằng “việc áp hạn chế nghiêm ngặt kéo dài không giúp giảm số ca nhiễm về 0”.

“Nhưng không sao”, bà Ardern nói. “Việc triệt tiêu ca nhiễm là quan trọng trước đây, vì khi đó chúng ta chưa có vaccine. Giờ đã có vaccine nên chúng ta có thể thay đổi cách thức chống dịch”.

Đây là một sự điều chỉnh chiến lược mà Singapore và Australia đã triển khai từ trước. Hai quốc gia này cũng tích cực theo đuổi “Zero Covid” trong giai đoạn đầu của đại dịch. Ở cả hai nước, sự mệt mỏi của dân chúng đã gia tăng cùng với những đợt phong toả nối tiếp nhau và những hạn chế đi lại kéo dài hàng tuần. Tại Đài Loan, chính quyền đã thừa nhận rằng việc xoá sạch Covid là điều rất khó.

ZERO COVID KHÔNG SAI VÀ VẪN CÒN CƠ HỘI

Việc từ bỏ chiến lược “Zero Covid” ở thời điểm hiện nay không có nghĩa là chiến lược này sai lầm ngay từ đầu. Nhờ chiến lược như vậy, các quốc gia nói trên đã hạn chế số ca tử vong do Covid ở mức rất thấp, vượt qua được giai đoạn trước khi có vaccine với tổn thất tối thiểu, trái ngược với tổn thất lớn về người ở Mỹ và châu Âu trong giai đoạn đó. Đến nay, New Zealand mới có 27 ca tử vong liên quan đến Covid, trong khi Singapore có 121 ca.

“Nếu New Zealand có thể tiêm vaccine trên diện rộng, tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, và mở cửa một cách thận trọng, họ sẽ vượt qua đại dịch với rất ít tổn thất về kinh tế hoặc sức khoẻ. Họ đã chờ cho tới khi có giải pháp khoa học để đi đến một chiến lược bền vững”, bà Devi Sridhar, Chủ tịch phụ trách vấn đề y tế cộng đồng toàn cầu thuộc Trường Y khoa, Đại học Edinburgh, Scotland, phát biểu.

Vấn đề đặt ra lúc này là chiến lược rút lui của Trung Quốc sẽ như thế nào? Hôm 5/10, nước này ghi nhận hai ca nhiễm mới trong cộng đồng, một ca ở Cáp Nhĩ Tân và một ca ở Tân Cương. Nhà chức trách đã tiến hành xét nghiệm hàng chục nghìn cư dân ở Tân Cương và dừng tất cả các chuyến bay và chuyến tàu ở thành phố Yining, đóng cửa các con đường cao tốc ở khu vực này.

Hồi tháng 9, toàn bộ thành phố Cáp Nhĩ Tân cũng phong toả sau khi có một ca mắc Covid phải nhập viện. Trước đó, cảng Ninh Ba-Chu San, một trong những cảng container đông đúc nhất thế giới, đóng cửa một phần hồi tháng 8 sau khi một công nhân cảng dương tính với Sars-CoV2.

Các chuyên gia y tế khẳng định những đợt bùng dịch rải rác khó có khả năng chấp dứt. Tuy nhiên, điều này chưa thể khiến Bắc Kinh lung lay ý chí.

Giới chức Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không theo đuổi chiến lược “Zero Covid” mãi mãi, nhưng sẽ chỉ tính đến chuyện thay đổi khi chiến lược này không còn tác dụng hoặc chi phí quá lớn. Theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc, các địa phương nước này đến cuối tháng 10 phải thành lập các cơ sở chuyên để cách ly người nhập cảnh từ nước ngoài. Đây là một tín hiệu cho thấy các biện pháp hạn chế đi lại ở Trung Quốc khó có khả năng được gỡ bỏ trong ngắn hạn.

Việc hạn chế tối thiểu số ca nhiễm Covid cho phép người dân Trung Quốc được sống một cuộc sống tương đối bình thường trong phần lớn thời gian của năm 2020 và 2021, đồng thời giúp nền kinh tế nước này hồi phục nhanh trong lúc các nền kinh tế phương Tây chật vật. Tuy nhiên, những cuộc phong toả và hạn chế đi lại trên diện hẹp tiếp tục được triển khai ở Trung Quốc trong năm nay, trong khi các nền kinh tế phương Tây mở cửa mạnh mẽ trở lại nhờ tiêm chủng. Sự khác biệt chiến lược của Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy rõ tác động: trong tháng 8, doanh thu bán lẻ của nước này chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 7% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Cho dù Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero Covid tới khi nào, một số chuyên gia cho rằng chiến lược này vẫn có khả năng quay trở lại ở những quốc gia khác. Một số nước như New Zealand có thể tái lập mục tiêu không có ca nhiễm nếu có những lựa chọn về vaccine và phương pháp điều trị cho phép họ làm như vậy.

“Ở thời điểm hiện tại, có vẻ chúng ta đang đạt tới giới hạn về những gì có thể để chống lại sự lây nhiễm bằng các công cụ hiện có. Thế hệ tiếp theo của vaccine và các phương thuốc điều trị có thể hiệu quả tới mức loại bỏ được virus”, giáo sư Michael Baker thuộc Đại học Otago, một thành viên tổ tư vấn kỹ thuật về Covid-19 của Chính phủ New Zealand, nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
16 Yêu thích
4 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại