C4G sẽ bứt phá trong giai đoạn 2022
Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 là đơn vị kế thừa truyền thống Cục Công trình I – Bộ Giao thông vận tải được thành lập ngày 27/12/1962 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn CIENCO4 với đội ngũ cán bộ công nhân viên được tôi luyện trong chiến đấu và trong xây dựng kinh tế, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, không ngừng đổi mới tổ chức quản lý, đầu tư thiết bị công nghệ, duy trì và phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đời sống ổn định cho người lao động, coi trọng lợi ích của khách hàng và các đối tác, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, phát triển Tổng công ty bền vững. Từ năm 2000 đến nay Tổng công ty liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Ngành Giao thông vận tải, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý, năm 2008 Tổng công ty được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2013 Tổng công ty vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Thương hiệu của Tập đoàn CIENCO4 ngày càng được khẳng định là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng giao thông.
Ngành nghề kinh doanh chính
- Xây dựng các công trình giao thông trong và ngoài
- Thi công các công trình công nghiệp, dân dụng, thuỷ lợi-nông-lâm nghiệp
- Thi công công trình hạ tầng cấp thoát nước, san lấp nền, công trình điện
- Gia công chế tạo dầm cầu thép, cấu kiện thép
PHÂN TÍCH CƠ BẢN
1.Điểm hấp dẫn nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh của công ty
a) Về vĩ mô: Rất nhiều bài viết trước của mình có nhắc tới việc trong năm 2021 thì Chính Phủ sẽ tăng chi tiêu Chính Phủ bằng cách đẩy mạnh giải ngân, đầu tư công (bài viết ngày 23/7 và 23/9) . Và cụ thể Tháng 7/2021, Quốc hội đã phê duyệt gói đầu tư công trung hạn 2021-2025 lên tới 2,87 triệu tỷ đồng (~124 tỷ USD), cao hơn 43% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Gói đầu tư này sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc. Bộ Giao thông Vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3000km đường cao tốc so với chỉ 1163km như hiện nay đó là cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.
b) Về nội tại doanh nghiệp thì C4G khẳng định vị thế hàng đầu để hưởng lợi từ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ có
+ Năng lực thi công vượt trội với việc đã hoàn thành nhiều công trình khó như cao tốc, đường băng sân bay, cầu vượt biển (cánh tay phải). Cụ thể:
- Gói thầu XL-02 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
- Thi công xây dựng hầm Lê Văn Lương – Vành đai 3
- Gói thầu số 2-XL thuộc dự án: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây
- Thi công xây dựng hầm Lê Văn Lương – Vành đai 3
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
+ Năng lực tài chính được cải thiện đáng kể trong năm 2022 (vui lòng đọc mục d) giúp C4G có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đấu thầu khắt khe và chủ động nguồn lực để hoàn thiện các công trình đúng thời hạn thi công (cánh tay trái).
c) Hoạt động kinh doanh
Trong quý 2/2021 doanh thu đạt 512,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 22,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,1% và 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,1% lên 18,5%. Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 8,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 7,53 tỷ đồng lên 95 tỷ đồng (chi phí tài chính tăng 15,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 10,7 tỷ đồng lên 77,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 17,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2,9 tỷ đồng về 13,3 tỷ đồng) còn lại các hoạt động khác biến động không đáng kể. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 thì C4G ghi nhận doanh thu đạt 865,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,2% và 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 3/2021, doanh thu thuần của C4G đạt hơn 460 tỷ đồng (tăng 34% so cùng kỳ) Trong đó, hai nguồn doanh thu chính đến từ từ hợp đồng xây dựng và thu phí BOT đều lần lượt tăng trưởng 89% và 28%, đóng góp gần 513 tỷ đồng và 90 tỷ đồng. Nhưng do giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của C4G chỉ tăng 22%, lên ~ 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao bởi ảnh hưởng của Nghị định 132/2020/NĐ-CP nên lãi ròng quý 3 của C4G giảm 32% so cùng kỳ (còn hơn 11 tỷ đồng) .C4G báo lãi ròng 9 tháng đầu năm tăng 4% (đạt hơn 56 tỷ đồng). Dù ghi nhận tăng trưởng nhưng kết quả 9 tháng đầu năm của C4G chỉ mới thực hiện được 28% mục tiêu lãi sau thuế 200 tỷ đồng trong năm 2021.
d) Thấy gì trong trung hạn
Kỳ vọng C4G sẽ huy động thành công 1124 tỷ đồng vốn chủ sở hữu từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu đầu năm 2022. Bên cạnh đó khả năng Nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên – Chợ Mới trong quý 2/2022 sẽ giúp công ty thu hồi về khoảng trên 1000 tỷ đồng. Qua đó làm giảm tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của công ty cuối năm 2022 giảm xuống từ 2,9 (vào cuối quý 3/2021) xuống 1,2 trong cuối năm 2020 điều này giải phóng và hỗ trợ đáng kể cho mảng xây dựng của C4G bứt phá cùng làn sóng đầu tư công trong năm 2022-2023. Vậy nên kỳ vọng doanh thu mảng xây dựng có thể đạt tăng trưởng kép 35-38% cho giai đoạn 2021-2023.
2.Điểm lo ngại cho nhà đầu tư
a) C4G dự kiến phát hành hơn 112 triệu cổ phiếu theo phương thức chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được mua 1 cp mới). Giá chào bán là 10,000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của C4G sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 2,247 tỷ đồng. Số tiền gần 1,124 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán sẽ được phân bổ sử dụng cho các hoạt động như thanh toán nợ vay ngân hàng, nợ vay cá nhân, công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp vật tư và thanh toán vốn lưu động khác.
b) Động thái chốt lời từ các cổ đông lớn và lãnh đạo công ty. CTCP Chứng khoán VNDirect vừa bán 3 triệu cổ phiếu C4G để giảm sở hữu từ 7,54% về còn 4,71% vốn điều lệ, giao dịch thực hiện ngày 31/8/2021 (VNDirect không còn là cổ đông lớn tại C4G). Ông Nguyễn Phương Vinh (Phó tổng giám đốc Công ty) cũng vừa bán ra 100000 cổ phiếu C4G để giảm sở hữu từ 0,11% về chỉ còn 0,02% vốn điều lệ (tương đương 16.852 cổ phiếu), giao dịch được thực hiện từ 25/8 đến 1/9. Ngày 24/11/2021, Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc C4G) đã bán toàn bộ gần 7,4 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 6.59% vốn của Công ty).Vậy nên tổ chức này không còn là cổ đông của C4G. Động thái này xảy ra trước khi có báo cáo tài chính của năm, và trước khi có đợt chào bán cổ phiếu mới (cá nhân mình nghĩ là chốt lời trước chờ giảm để mua lại đoạn đầu năm 2022 khi mà báo cáo tài chính ra, khả năng báo cáo tài chính không được đẹp sẽ kéo giá cổ phiếu giảm này, đẩy thuyền thêm chính là chào bán thêm cổ phiếu)
**** Định giá cổ phiếu: 28000vnđ/cổ phiếu đến 30000vnđ/cổ phiếu
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Giao dịch đóng cửa ngày 17/12/2021 là 24300vnđ/cổ phiếu. Động lượng tăng gấp, xung lượng tăng giảm không hợp lưu với động lượng. Dự phóng sẽ có một đợt giảm phân phối lại nền giá sẽ diễn ra trong cuối năm 2021 và kéo dài tới quý 1/2022. Đoạn thời gian này để kéo động lượng giảm và tích thêm xung lượng tăng. Dự phóng trong năm 2022 tới 2023 giá cổ phiếu rơi vào khoảng 38000-40000 vnđ/cổ phiếu (theo kỹ thuật). Thất bại khi động lượng kéo trễ/lệch pha so với xung lượng hoặc bổ trợ thêm về vĩ mô khiến cho việc giải ngân đầu tư công bị trễ hoặc việc mua lại BOT của Nhà nước chậm lại hoặc việc chào bán thêm cổ phiếu không huy động được nhiều vốn...
NOTE: Thông tin trên đây đều là góc nhìn chủ quan và nó không phải là khuyến nghị đầu tư. Tôi không chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của bạn đọc trên thị trường. Hãy thận trọng và coi nó như một góc nhìn tham khảo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận