24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Dương Khôi Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

BWE - Cổ phiếu ngành nước sạch năm 2024

BWE là mã cổ phiếu của Công Ty Cổ Phần – Tổng Công Ty Nước – Môi Trường Bình Dương (BIWASE). Đây là công ty phân phối nước lớn thứ ba tại Việt Nam và sở hữu chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất và phân phối nước sạch (80% LN gộp) đến xử lý chất thải.

* Hoạt động kinh doanh cốt lõi của BWE gồm ba mảng chính:

1. Sản xuất và cấp nước: Đầu tư, khai thác, sản xuất, xử lý và cung cấp nước sạch cho các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, dịch vụ và ngành công nghiệp với công suất tiêu thụ trên 600.000 m3/ngày đêm vào năm 2023. Hiện tại hệ thống nhà máy nước Biwase có thể đạt tổng công suất tối đa 1 triệu m3 /ngày đêm với 8 cụm nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt từ hai con sông lớn là sông Đồng Nai (chủ lực) và sông Sài Gòn.

2. Thu gom và xử lý chất thải rắn: Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho hoạt động sản xuất phân compost. Công suất thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt đạt 2.500 tấn/ngày đêm, xử lý chất thải công nghiệp đạt 500 tấn/ngày đêm, và chất thải nguy hại đạt 50 tấn/ngày đêm trong năm 2023.

3. Vận hành nhà máy xử lý nước thải và vệ sinh môi trường: Vận hành và bảo dưỡng các tài sản xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh Bình Dương và là đơn vị duy nhất thực hiện các dịch vụ xử lý nước thải và vệ sinh đô thị trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có công suất xử lý nước thải qua 4 nhà máy xử lý nước thải khả năng đạt 90.000m3/ngày đêm.

*Hoạt động kinh doanh của BWE đã đi qua giai đoạn thấp điểm trong năm 2023

Năm 2023, tình hình kinh tế của tình Bình Dương chịu ảnh hưởng chung trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Một số doanh nghiệp ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, làm sản lượng nước tiêu thụ phục vụ sản xuất và rác thải có phần giảm sút, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi đơn giá sản phẩm cung cấp chưa được điều chỉnh giá phù hợp và kịp thời cũng đã làm kết quả hoạt động của BWE bị chững lại.

*Kết thúc năm 2023, BWE ghi nhận doanh thu thuần đạt 3,500 tỷ đồng (+1% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 682 tỷ đồng (-9% yoy). Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên mức 44% nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn bị tăng trưởng âm là do:

- Chi phí tài chính cao hơn 1,7 lần so với cùng kỳ (với tổng nợ vay cao hơn 35% yoy, ở mức 5,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tài trợ cho các khoản đầu tư mở rộng mảng nước, các thương vụ M&A, lãi suất cao hơn và lỗ tỷ giá),

- Lỗ ròng từ mảng xử lý nước thải (47 tỷ đồng doanh thu từ mảng xử lý nước thải không được ghi nhận vào năm 2023 do thủ tục giấy tờ chưa hoàn tất),

- Kết quả kinh doanh kém khả quan của mảng xử lý rác thải (do chi phí khấu hao cao hơn và chi phí lãi vay cho công suất mới)

- Chi phí SG&A cao hơn 16% so với cùng kỳ (do M&A).

*Dấu hiệu phục hồi đã bắt đầu rõ ràng hơn trong quý đầu tiên của năm 2024:

Quý 1/2024, BWE công bố KQKD với doanh thu thuần đạt 792 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 16% và 25% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ nhờ: (1) Doanh thu mảng nước tăng 20,7% (yoy), đến từ việc hợp nhất Biwase Long An từ nửa cuối năm 2023 và sản lượng nước thương phẩm của BWE tăng 8,6% (yoy) (2) mảng xử lý chất thải tăng 32% (yoy). Các kết quả trên bù đắp cho mức giảm mạnh 86% (yoy) của mảng xử lý nước thải khi BWE chưa ghi nhận đủ doanh thu do chưa hoàn tất thủ tục hóa đơn pháp lý.

*Lợi nhuận sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ trong trong quý 1 nhờ:

- Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên mức 50% do sản lượng nước thương phẩm tăng mạnh trong khi tỷ lệ thất thoát nước giảm 40 điểm cơ bản xuống 4,8% (so với mức 5,2% vào quý 1/2023), cùng với đóng góp lợi nhuận từ Biwase Long An

- 7 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết mới của BWE (trong đó, Cấp nước Vĩnh Long, Cấp nước Cần Thơ, Cấp nước Quảng Bình), bù đắp cho khoản lỗ từ công ty liên kết khác – Cấp nước Gia Tân.

- Nợ ngắn hạn giảm khoảng 222 tỷ đồng trong khi nợ dài hạn gần như không thay đổi đã giúp chi phí lãi vay giảm khoảng 47 tỷ so với Q4/2023.

*Câu chuyện tăng trưởng dài hạn của BWE

Nhìn tổng thể thì nền kinh tế của Việt Nam đã bước đầu đi vào giai đoạn phục hồi sau giai đoạn suy thoái trong 2 năm vừa qua. Trong tương lai Bình Dương khẳng định là một vị trí địa lý quan trọng mà giới đầu tư trong ngoài nước phải dành một sự quan tâm rất lớn.

Về ngân sách đầu tư, năm 2024 tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt mức từ 8% – 8.5%. Vì vậy, mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư hiện đại để kết nối liên vùng với tổng ngân sách đầu tư đạt 45 nghìn tỷ đồng.

Về FDI, tính đến cuối năm 2023, vốn FDI lũy kế của tỉnh trong 30 năm qua đạt hơn 40 tỷ USD, đứng thứ ba tại Việt Nam (chỉ sau TP.HCM và Hà Nội). Một số dự án FDI tại Bình Dương bao gồm dự án đầu tư quy mô lớn từ LEGO (tổng vốn đầu tư đạt 1,3 tỷ USD). Trong năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu tiếp tục thu hút và tăng vốn FDI lên 1,8 tỷ USD.

Trong dài hạn, nhu cầu nước sử dụng nước của Bình Dương sẽ tiếp tục tăng nhanh do sản xuất công nghiệp mở rộng nhanh chóng khi các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2025, bao gồm Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) III tại Quận Tân Uyên (1.000 ha) và Khu công nghiệp Cây Trường (1.000 ha) tại huyện Bàu Bàng.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tăng công suất nước tăng lên 1.500.000 m3/ngày tại năm 2030 so với mức 760.000 vào cuối năm 2023. Điều này tương ứng tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 10,7% trong 7 năm tới.

Thông tin đề xuất tăng giá nước 5%/năm của BWE dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2024 sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên trong giai đoạn 2025-2028.

CTCP Cấp Nước Gia Tân dự kiến sẽ hòa vốn và sinh lời bắt đầu từ năm 2025, trong khi CTCP Cấp Nước Đồng Nai tiếp tục đóng góp mức cổ tức hấp dẫn (lợi suất ~10%). CTCP Cấp Nước Gia Tân (trong đó BWE nắm giữ 32%) báo cáo LNST sau lợi ích CĐTS âm 71 tỷ đồng vào năm 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến định giá vốn chủ sở hữu của cả BWE. Tuy nhiên, CTCP Cấp Nước Gia Tân chỉ phải đối mặt với khoản lỗ ngắn hạn do giai đoạn thiết lập ban đầu và sẽ bắt đầu sinh lời khi sản lượng nước thương phẩm có khả năng tăng thêm 35.000 m3/ngày vào năm 2025.

Dự báo BWE sẽ có CAGR LNST đạt ~36% trong giai đoạn 2024-2028, chủ yếu nhờ

(1) sản lượng nước thương phẩm tăng 5%-11% mỗi năm

(2) giá nước tăng 3% mỗi năm bắt đầu từ ngày 01/07/2025

(3) tiết kiệm chi phí điện nhờ công suất năng lượng mặt trời áp mới được lắp đặt tại các nhà máy nước

(4) 5 MW và 12 MW công suất nhiệt điện được lắp đặt cho mảng xử lý chất thải lần lượt vào đầu năm 2024 và 2025 cũng sẽ giúp giảm chi phí điện

(5) dự kiến giá xử lý rác thải sinh hoạt sẽ tăng 10% yoy vào ngày 01/10/2024.

*Lợi thế cạnh tranh của BWE:

Xét trong các dạng lợi thế cạnh trong trong lý thuyết 4M thì BWE có 1 lợi thế cạnh tranh rất rõ ràng gọi là phí sử dụng. Người dân sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương muốn sử dụng nước sạch và dịch vụ xử lý rác thải bắt buộc phải trả chi phí cho hệ sinh thái của BWE.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng hưởng bởi đại dịch bệnh và xu hướng thắt lưng buộc bụng của nền kinh tế năm 2022-2023, nhưng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về mặt doanh thu và lợi nhuận của BWE vẫn khá cao, lần lượt là 9.9% và 16%.

Mức tăng trưởng dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm chủ yếu do doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư mở rộng quy mô các mảng kinh doanh chính.

*Tốc độ tăng trưởng kép giá trị sổ sách thấp. Tuy nhiên, nếu chỉ xét tăng trưởng giá trị sổ sách kể từ năm 2019 trở đi lại rất tốt. Nguyên nhân chủ yếu do nhà nước thoái vốn trong năm 2019 làm cho giá trị vốn chủ sở hữu giảm khoảng 2,885 tỷ (-47.6%).

BWE - Cổ phiếu ngành nước sạch năm 2024

*Về hiệu quả hoạt động, thì ROE của BWE trung bình từ 15-20% là một mức sinh lời khá tốt. Hệ số đòn bẩy tài chính hiện tại của BWE đang ở mức khá cao nên ROIC ở mức khá thấp (không đánh giá).

ROA và ROE hiện tại của BWE chỉ nằm ở mức trung bình trong khi Biên LN gộp lại đứng Top 3 trong danh sách. Nguyên nhân chủ yếu là khi xét về cơ địa thì Hệ số đòn bẩy tài chính của BWE đang đứng đanh sách với tỷ lệ là 2.38 (lần). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương là khá nhanh. Việc tham vọng mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng và sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao của BWE cũng là điều hợp lý.

Xét về bản chất, BWE được xem như một công ty liên kết với hai cổ đông lớn nhất là Becamex IDC Corp (BCM) và Công Ty Cổ Phần Nước Thủ Dầu Một (TDM). Nên ban quản lý của BWE đa số đều được đào tạo và trưởng thành trong môi trường Nhà nước.

Trong đó, cổ đông lớn nhất đang sở hữu BCM là UBND tỉnh Bình Dương, nắm 95% cổ phần. Vì nguyên nhân này định hướng quản trị của BWE sẽ phụ thuộc vào mục tiêu phát triển của Bình Dương trong tương lai. Cũng nhờ vậy mà BWE sở hữu một ưu thế rõ ràng là lợi thế cạnh tranh độc quyền về phát triển thị phần ở các mảng kinh doanh cốt lõi của mình.

Ước tính giá theo EPS dự phóng giai đoạn 2024-2026 và tham chiếu theo P/E trung vị hiện tại của các công ty cùng ngành tại khu vực Thái Lan, Ấn Độ, Phillipin, Malaysia tại ngày 02/05/2024 là 20.5 lần. (P/E của BWE hiện tại là 13.9 lần)

Nguồn: Minh Nhựt

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
44.60 -0.35 (-0.78%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả