24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bức tranh thương mại toàn cầu sẽ thay đổi căn bản nếu ông Trump tái đắc cử (kỳ 1)

Không chỉ là một công cụ để đàm phán, thuế quan cao hơn sẽ là mục đích của chính việc áp thuế quan, và theo một ước tính, hàng rào thuế quan của Mỹ có thể lên tới mức cao nhất kể từ thập niên 1930...

Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách ngoại giao. Ông thường xuyên dùng thuế quan để làm đòn bẩy để mặc cả nhằm giành nhượng bộ thương mại từ các quốc gia khác.

Chính sách này của ông Trump đã khiến mâu thuẫn thương mại toàn cầu tăng lên, nhưng hệ thống thương mại về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nếu ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới và triển khai các chính sách mà ông đã đưa ra trong cuộc chạy đua với ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris, tờ Wall Street Journal cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông ở Nhà Trắng sẽ khiến thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.

NHỮNG TOAN TÍNH THUẾ QUAN CỦA ÔNG TRUMP

Không chỉ là một công cụ để đàm phán, thuế quan cao hơn sẽ là mục đích của chính việc áp thuế quan, và theo một ước tính, hàng rào thuế quan của Mỹ có thể lên tới mức cao nhất kể từ thập niên 1930.

Trước mắt, giá cả nhiều hàng hóa ở Mỹ sẽ tăng lên và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng trong quá trình người tiêu dùng và doanh nghiệp điều chỉnh để thích nghi với thuế mới áp lên hàng hóa nhập khẩu.

Tác động lâu dài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu các quốc gia khác có trả đũa Mỹ hay không và ông Trump sẵn sàng đàm phán đến mức nào. Hệ quả có thể là bất cứ điều gì, từ một cuộc chiến thương mại toàn diện, đến một hệ thống thương mại mới giữa các đồng minh của Mỹ.

Ông Oren Cass, người sáng lập American Compass - một tổ chức tư vấn bảo thủ thân cận với các cố vấn của ông Trump và ủng hộ kế hoạch thuế quan của Trump - cho rằng một nhiệm kỳ tiếp theo của của ông Trump có thể xem “hệ thống thương mại toàn cầu vào cuối thế kỷ 20 là không bền vững”. “Kết cục ở đây không phải là một dạng đàm phán mà tất cả chúng ta đều quay trở lại năm 1995” - khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời, mà đúng hơn, đó sẽ là một cuộc “tái cân bằng căn bản” của thương mại toàn cầu.

Sự đồng thuận toàn cầu về thương mại tự do vốn chiếm ưu thế từ năm 1995 cho đến khi ông Trump đắc cử vào năm 2016 sẽ không quay trở lại ngay cả khi bà Harris giành chiến thắng.

Bà có thể bổ sung thêm các loại thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc ngoài những thuế quan mà ông Trump đã áp trong nhiệm kỳ của ông, và tiếp tục chính sách hỗ trợ nền sản xuất trong nước mà Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy. Nhưng tất cả những điều này sẽ chỉ là những thay đổi nhỏ, bởi những việc mà ông Trump sẽ làm khi tái đắc cử có thể khiến hệ thống thương mại thế giới thay đổi một cách căn bản.

Các kế hoạch của ông Trump vẫn còn nhiều bất định. Ông đã kêu gọi mức thuế áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu là 10%, sau đó đề xuất thuế suất 10-20%, và ít nhất có một lần thậm chí còn đề xuất mức thuế 50-200%.

Ông Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, thậm chí có thể cao hơn. Ông cũng đề xuất nguyên tắc có đi có lại, tức là thuế quan của Mỹ ngang bằng với thuế quan của các đối tác thương mại.

Như vậy, hàng hóa từ Mexico và Canada vào Mỹ sẽ được miễn thuế, vì đây là những quốc gia thành viên của Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) được đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, không áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, Ông Trump đã tuyên bố riêng rằng ô tô từ Mexico sẽ phải đối mặt với mức thuế 100%, trong khi Mexico không áp thuế đối với ô tô do Mỹ sản xuất.

Nói cách khác, không ai dám chắc ông Trump đang có kế hoạch thực sự như thế nào.

Nếu thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc là 60% và từ phần còn lại của thế giới là 10%, thì mức thuế quan trung bình của Mỹ, tính theo giá trị nhập khẩu, sẽ tăng lên 17% từ mức 2,3% vào năm 2023 và 1,5% vào năm 2016 - theo ngân hàng đầu tư Evercore ISI. Đó sẽ là mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1930, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley, đạo luật đã dẫn tới một làn sóng gia tăng rào cản thương mại trên toàn cầu.

Thuế quan của Mỹ sẽ tăng từ chỗ là thấp nhất lên mức cao nhất trong hàng ngũ các nền kinh tế lớn. Nếu các quốc gia khác trả đũa, sự gia tăng các rào cản thương mại toàn cầu sẽ lên tới mức không có tiền lệ trong thời hiện đại - theo ông Doug Irwin, một nhà sử học thương mại tại Đại học Dartmouth.

Thuế quan cao hơn có thể sẽ tồn tại trong nhiều năm, ngay cả khi một vị tổng thống Mỹ trong tương lai kết luận rằng đó là một sai lầm. “Hàng rào thương mại dễ áp ​​đặt và khó loại bỏ. Nỗ lực dỡ bỏ các rào cản thương mại tích tụ trong thời kỳ Đại suy thoái đã phải kéo dài trong nhiều thập kỷ”, ông Irwin nói.

Dấu hỏi lớn nhất đặt ra đối với các kế hoạch của ông Trump là ông sẵn sàng hạ thuế quan xuống đến mức nào để đổi lấy những nhượng bộ của đối tác thương mại. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các cố vấn theo trường phái trung dung đã tiết chế bớt các xung động bảo hộ mạnh hơn của ông, và cuối cùng ông Trump đã sử dụng thuế quan để đàm phán lại các thỏa thuận với các đối tác thương mại. Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã trở thành USMCA; Hàn Quốc đồng ý sửa đổi Hiệp định tự do thương mại Hàn-Mỹ, và Nhật Bản hạ thấp rào cản đối với hàng nông sản Mỹ.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là hướng đi nếu ông Trump có được một nhiệm kỳ thứ hai hay không vẫn chưa phải là điều rõ ràng. Ông Trump và các cố vấn của đã đưa ra những tín hiệu trái chiều.

Ông Scott Bessent, cựu Giám đốc đầu tư của quỹ Soros Fund Management và hiện là cố vấn cho ông Trump, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hồi tháng 7 rằng kế hoạch thuế quan của Trump sẽ không được thực hiện ngay lập tức: “Kế hoạch sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Và tôi cũng nghĩ rằng các nước khác sẽ có cơ hội để mở cửa thị trường của họ”.

Trong khi đó, ông Robert Lighthizer - người từng giữ cương vị đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và hiện vẫn là một cố vấn có ảnh hưởng của ông Trump - nói rằng mục tiêu của thuế quan là loại bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ. Điều đó có thể có nghĩa là thuế quan của Mỹ sẽ cao hơn vô thời hạn, ngay cả khi các nước khác nhượng bộ Mỹ. Ông Trump còn nói thuế quan cao hơn sẽ là nguồn thu ngân sách để bù đắp cho việc cắt giảm các loại thuế khác - một dấu hiệu cho thấy ông có chủ trương dùng thuế quan một cách vĩnh viễn.

Ông Clete Willems - người từng làm việc dưới quyền ông Lighthizer và trong Nhà Trắng của ông Trump, hiện là luật sư tại Akin Gum - cho biết kịch bản có khả năng xảy ra nhất sẽ là một sự kết hợp giữa các cuộc đàm phán và cuối cùng là mức thuế cao hơn.

“Chúng ta sẽ bước vào một môi trường có mức thuế quan cao hơn, nhưng tất cả các quyết định về thuế quan sẽ đều được đưa ra thảo luận. Chúng ta vẫn nói về ông Trump như một người của thuế quan, nhưng cũng đừng quên ông ấy còn là một nhà đàm phán”, ông Williems nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
9.40 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả