BT6 phá sản, vì đâu nên nỗi?
Công ty CP Beton 6 (UpCOM: BT6) đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và Tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản đối với BT6.
Theo lý giải của lãnh đạo BT6, việc nộp đơn phá sản xuất phát từ nhiều khó khăn phải đối mặt, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Cụ thể, một số dự án lớn của công ty đã ký bị trì hoãn hoặc hủy bỏ; số lượng đơn hàng xây dựng giảm; nguồn vốn bị thiếu hụt; áp lực từ các chủ nợ lớn, nhỏ; mua hàng hóa phải thanh toán trước 100%; cơ quan kiểm toán từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính năm 2019 (cũng vì nguyên nhân này mà cổ phiếu BT6 bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần).
BT6 ghi nhận lỗ lớn trong 3 năm liền với khoản lỗ lũy kế lên đến 425 tỷ đồng.
BT6 từng là thương hiệu xây dựng hàng đầu khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Ngay từ năm 2002, công ty đã đưa cổ phiếu lên sàn và một thời gian dài được nhiều tổ chức lớn quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của BT6 lại khá bết bát.
Ngược dòng thời gian quay trở lại năm 2009, khi Bình Thiên An – BTA, một doanh nghiệp trong ngành xây dựng được biết đến với dự án nổi bật Đảo Kim Cương tiến hành M&A BT6, đây được xem là bước mở đường khiến BT6 về sau lâm vào khủng hoảng.
Ngay sau khi thương vụ M&A hoàn tất, BTA đã mạnh tay chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất sang thi công công trình và kết quả là doanh thu năm 2010 của BT6 tăng gấp rưỡi, lợi nhuận tăng gấp hai lần.
Tuy nhiên, không lâu sau đó khi thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Mặc dù BT6 duy trì doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm thê thảm. Điển hình là năm 2013 khi doanh thu đạt 1.073 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ hơn 14 tỷ đồng.
Từ đó, BT6 tiếp tục rơi vào khủng hoảng và đến năm 2015 nhóm cổ đông BTA đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu BT6 trên sàn HOSE. Động thái này được giới chuyên gia lúc bấy giờ đánh giá là nhằm mục đích thoái vốn và bảo toàn vốn của nhóm cổ đông lớn. Bởi không chỉ riêng BT6, mà trước đó nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự sau khi BTA tiến hành M&A và tái cấu trúc doanh nghiệp, điển hình là thương vụ BTA mua lại Vinafco vào năm 2006 và Descon năm 2010. Số phận của hai doanh nghiệp này sau đó cũng tương tự như BT6 là lần lượt rời sàn HNX vào năm 2013 và 2011.
Trở lại với hoạt động kinh doanh của BT6, sau khi rời sàn HOSE, BT6 rơi vào chuỗi khủng hoảng kéo dài nhiều năm, hoạt động kinh doanh ngày một đi xuống. Từ chỗ là một doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ đồng, đến nay doanh thu của BT6 giảm xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng và liên tục báo lỗ trong nhiều năm liền.
Cụ thể, trong 3 năm liền từ 2017 – 2019 BT6 ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 425 tỷ đồng, trong đó năm 2018 ghi nhận lỗ cao nhất với 322,9 tỷ đồng. Năm 2019, BT6 ghi nhận doanh thu gần 60 tỷ đồng, giảm 56% so với năm 2018. Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ hơn 82 tỷ đồng, giảm lỗ 75% so với năm 2018 và lần đầu tiên vốn chủ sở hữu của BT6 âm 23 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là trên báo cáo tài chính năm 2019, kiểm toán viên cũng từ chối đưa ra kết luận do chưa thu thập được bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp. Cụ thể, kiểm toán không thu thập đủ bằng chứng về số dư các công nợ tổng số tiền gần 344 tỷ đồng, khả năng thu hồi các khoản công nợ quá hạn và ứng trước nhà cung cấp tồn lâu số tiền 193 tỷ đồng, giá trị thuần của hàng tồn kho 65 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù Tòa án đã mở thủ tục phá sản, tuy nhiên công ty chưa thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ theo quy định, trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục với các bằng chứng hiện có, nên kiểm toán không thể đánh giá được giá trị tài sản và nợ tại cuối năm 2019.
Trong đó một số chủ nợ lớn là Vietinbank với con số 188 tỷ đồng, Vietcombank cho vay 64 tỷ đồng, Eximbank cũng ghi nhận 63 tỷ đồng… Ngoài nợ gốc, công ty còn ghi nhậnlãi vay phải trả ngân hàng lên đến 109 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 55 tỷ đồng của năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận