"Bóng ma" lạm phát kèm suy thoái vẫn đeo đẳng kinh tế Mỹ
Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, nền kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ và lạm phát kèm suy thoái trong trung hạn.
Tuy nhiên, theo bài viết của chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini* được đăng trên Tạp chí Project Syndicate, những người mang tâm lý lạc quan này có khả năng sẽ phải thất vọng.
Kịch bản của những năm 1970 liệu có lặp lại?
Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cảnh báo rằng, việc nới lỏng liên tục các chính sách tiền tệ, tín dụng và tài khóa sẽ kích thích tổng cầu quá mức và dẫn đến tình trạng lạm phát tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó ở góc độ vĩ mô, các cú sốc tiêu cực về nguồn cung trong trung hạn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng, đồng thời gia tăng chi phí sản xuất.
Kết hợp lại, những động lực cung cầu này có thể tạo ra tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation) theo kiểu những năm 1970 (tức là lạm phát gia tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái) và cuối cùng dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.
Cho đến gần đây, những rủi ro trung hạn được tập trung phân tích nhiều hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giới phân tích có thể phần nào kết luận, tình trạng lạm phát kèm suy thoái ở mức độ nhẹ đang diễn ra.
Lạm phát đang tăng ở Mỹ và nhiều nền kinh tế tiên tiến, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể, bất chấp các biện pháp kích thích tiền tệ, tín dụng và tài khóa lớn.
Hiện đã có sự đồng thuận rằng, suy giảm tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cùng các nền kinh tế lớn khác là kết quả của sự tắc nghẽn nguồn cung trên thị trường lao động và hàng hóa. Chính vì thế, đã xuất hiện tâm lý lạc quan từ các chuyên gia phân tích và hoạch định chính sách Phố Wall rằng, tình trạng lạm phát kèm suy thoái mức độ nhẹ này chỉ là tạm thời và sẽ kết thúc khi nguồn cung thôi tắc nghẽn.
Các chuyên gia có thể cho rằng, sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang tạm thời khiến sản xuất bị gián đoạn, làm gia tăng chi phí, giảm tốc độ tăng trưởng sản lượng và hạn chế nguồn cung lao động.
Trong khi đó, người lao động đang cảm thấy miễn cưỡng với việc quay trở lại nơi làm việc vì lo ngại làn sóng lây nhiễm của dịch bệnh. Nhiều người trong số này vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp của chính phủ, một chính sách dự kiến sẽ hết hạn vào tháng Chín tới. Ngoài ra, những người có con nhỏ có thể phải ở nhà vì trường học đóng cửa và không có dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng.
Trong lĩnh vực sản xuất, biến thể Delta đang phá vỡ các kế hoạch tái mở cửa của nhiều lĩnh vực dịch vụ, đồng thời giáng một đòn mạnh vào các chuỗi cung ứng, hệ thống cảng biển và hậu cần toàn cầu. Việc thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào quan trọng như chất bán dẫn đang tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất ô tô, hàng điện tử và hàng hóa tiêu dùng khác, từ đó làm tăng lạm phát.
Những người lạc quan cho rằng, tất cả những biến số này chỉ là tạm thời. Một khi số ca nhiễm biến thể Delta giảm dần, mọi thứ sẽ trở nên tươi sáng hơn. Người lao động sẽ quay trở lại thị trường, các nút thắt sản xuất sẽ được gỡ, tăng trưởng sản lượng sẽ tăng tốc và lạm phát cơ bản - hiện đang ở mức gần 4% ở Mỹ - sẽ giảm về mức 2%, như mục tiêu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, về phía cầu, người ta cho rằng, Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ bắt đầu siết chặt các chính sách nới lỏng tiền tệ. Kết hợp với một số tác động tài khóa trong năm tới (khi mức thâm hụt có thể thấp hơn), điều này được cho là sẽ giúp duy trì môi trường lạm phát thấp.
Kết quả là, tình trạng lạm phát kèm suy thoái hiện nay sẽ nhường chỗ cho một tương lai tươi sáng, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và môi trường lạm phát thấp hơn vào năm tới.
Nguy cơ còn hiện hữu
Tất nhiên, kịch bản trên hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là sẽ thế nào nếu những dự đoán này là quá lạc quan và tình trạng lạm phát kèm suy thoái vẫn sẽ tiếp diễn?
Trên thực tế, đằng sau tình trạng lạm phát kèm suy thoái đang diễn ra là cả một câu chuyện dài kỳ về hiện trạng kinh tế thế giới. Ở Mỹ, lạm phát cơ bản, không bao gồm hai yếu tố dễ biến động là giá thực phẩm và năng lượng, nhiều khả năng vẫn ở mức gần 4% cho đến cuối năm.
Trong khi đó, các chính sách vĩ mô mở rộng nhiều khả năng vẫn phải duy trì, dựa trên các kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden và khả năng các nền kinh tế yếu kém trong Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) tiếp tục chứng kiến thâm hụt tài chính lớn ngay cả trong năm 2022.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng trong thời gian dài.
Mặc dù Fed đang xem xét giảm bớt nới lỏng định lượng (QE), nhưng nhìn chung, thể chế này có thể chọn một phương án ôn hòa. Giống như hầu hết các ngân hàng trung ương, Fed đã rơi vào bẫy nợ với sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ công-tư (tính theo tỷ trọng GDP) trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát cao hơn mức mục tiêu đề ra, việc kết thúc QE quá sớm có thể khiến thị trường trái phiếu, tín dụng và chứng khoán sụp đổ. Điều này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng "hạ cánh cứng", buộc Fed phải đảo chiều và tiếp tục QE.
Đây là những gì đã xảy ra trong quý IV/2018 và quý I/2019, sau những nỗ lực trước đó của Fed nhằm tăng lãi suất và thu hẹp QE, việc hoạt động tín dụng và thị trường chứng khoán lao dốc đã buộc thể chế này phải tạm dừng kế hoạch.
Đến năm 2020, những tác động tiêu cực và bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã buộc Fed cùng nhiều ngân hàng trung ương khác tung ra các chính sách tiền tệ nới lỏng ở quy mô lớn chưa từng có, trong khi các chính phủ ghi nhận thâm hụt tài khóa lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang chứng kiến các xu hướng như phi toàn cầu hóa, quá trình Balkan hóa (một từ địa chính trị để chỉ quá trình chia cắt một vùng hay một nước thành những vùng hay nước nhỏ hơn), tái định hình lại các chuỗi cung ứng nước ngoài, sự già hóa dân số ở các nền kinh tế tiên tiến và các thị trường mới nổi quan trọng.
Trong khi đó, lệnh hạn chế nhập cư chặt chẽ hơn đang cản trở việc di cư từ những quốc gia nghèo khó sang các nước giàu có hơn, trong khi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung chỉ mới bắt đầu, có nguy cơ chia cắt nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang làm gián đoạn ngành nông nghiệp, khiến giá lương thực tăng đột biến.
Sự kéo dài dai dẳng của đại dịch toàn cầu chắc chắn sẽ dẫn đến việc từng quốc gia phải tự cường hơn và kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa và nguyên liệu quan trọng. Chiến tranh mạng đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất và rất tốn kém để kiểm soát.
Bên cạnh đó, phản ứng chính trị chống lại bất bình đẳng thu nhập đang thúc đẩy các cơ quan quản lý và tài chính thực hiện nhiều chính sách tăng cường quyền lợi cho người lao động và công đoàn, tạo tiền đề cho tăng trưởng tiền lương nhanh hơn.
Trong khi những cú sốc về nguồn cung tiêu cực vẫn đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng, việc các chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng có thể kích hoạt kỳ vọng lạm phát.
Kết quả là vòng xoáy giá cả tiền lương sẽ mở ra một môi trường lạm phát kèm suy thoái trong trung hạn, có khả năng còn tồi tệ hơn những năm 1970 - khi tỷ lệ nợ trên GDP thấp hơn hiện tại.
Đó là lý do tại sao nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ và lạm phát kèm suy thoái sẽ tiếp tục hiện hữu trong trung hạn.
(theo Project Syndicate)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận