Boeing vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý
Đại diện hãng Boeing đã không thể trả lời các câu hỏi của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về những sửa đổi được thực hiện đối với hệ thống kiểm soát máy bay 737 MAX trong cuộc họp tháng trước.
Cuộc họp giữa Boeing, FAA cùng các cơ quan quản lý hàng không của Brazil và một số nước châu Âu đã được tiến hành tại thành phố Seattle của Mỹ nhằm thảo luận về các cải tiến, cũng như khung thời gian cho phép dòng máy bay 737 MAX hoạt động trở lại.
Phát biểu với báo giới ngày 3/9, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Brazil cho biết tại cuộc họp này, Boeing đã không thể trả lời các câu hỏi cụ thể của các cơ quan quản lý. Theo đó, các bên đã nhất trí sẽ nối lại cuộc họp sau khi Boeing có thể cung cấp các chi tiết.
Những quan ngại xung quanh Boeing 737 MAX đã xuất hiện hồi tháng 10/2018 khi chiếc Boeing 737 Max của hãng hàng không Lion Air rơi và chìm xuống biển Java không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Tiếp đó, tháng 3 vừa qua, chiếc Boeing 737 MAX do hãng hàng không Ethiopian Airlines vận hành ở châu Phi trên hành trình tới thủ đô Nairobi của Kenya cũng rơi xuống chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Boeing đã buộc phải đình chỉ khai thác 737 MAX sau hai vụ tai nạn thảm khốc trên, đồng thời xúc tiến công tác nghiên cứu, phát triển và hiệu chỉnh hệ thống máy tính điều khiển bay nhằm đưa dòng máy bay phản lực này trở lại hoạt động.
Trước cuộc họp nêu trên, Boeing tuyên bố hãng này sẽ trình lên FAA toàn bộ các chứng nhận của hãng liên quan đến việc cải tiến 737 MAX vào tháng 9/2019, đồng thời kỳ vọng rằng FAA sẽ cho phép khai thác trở lại dòng máy bay này một tháng sau đó.
Các câu hỏi về Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, trở thành trọng tâm chú ý trong một báo cáo của FAA hồi tháng 6 vừa qua, trong khi trước đó, hệ thống chống treo của máy bay được coi là nguyên nhân chính trong hai vụ tai nạn nêu trên.
Người phát ngôn của FAA nêu rõ cơ quan này "đang thực hiện một quy trình kỹ lưỡng, không đặt khung thời gian nhất định, nhằm tạo điều kiện cho Boeing 737 MAX quay lại với dịch vụ chở khách".
Phía Boeing dự kiến 737 MAX có thể trở lại hoạt động sớm nhất trong quý IV/2019, trong đó "ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn và đảm bảo niềm tin và sự tin tưởng của khách hàng và cơ quan quản lý. Thời gian quay trở lại hoạt động dịch vụ sẽ do FAA và các cơ quan quản lý toàn cầu quyết định".
Sau khi thông tin Boeing vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý được đưa ra, cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay Mỹ đã giảm 2,7%, xuống còn 354,42 USD/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận