Bộ Y tế: Nhiều nội dung tố cáo tại Tổng công ty Dược Việt Nam không có cơ sở
Bộ Y tế vừa ban hành Kết luận nội dung tố cáo tại Tổng công ty Dược Việt Nam theo nội dung tố cáo trong đơn của công dân gửi Bộ Y tế ngày 4/11/2019. Theo đó, Đơn của công dân nêu ra 5 nội dung tố cáo, tuy nhiên, Kết luận của Bộ Y tế sau khi xác minh cho thấy, tất cả đều không có cơ sở.
Theo báo cáo của Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP, Tổng công ty này không nhận được văn bản chỉ đạo nào của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội về các nội dung liên quan đến Dự án tại lô đất 60B Nguyễn Huy Tưởng.
Thứ nhất là tố cáo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dược Việt Nam có dấu hiệu tham nhũng, không minh bạch trong việc tổ chức tái cơ cấu trước và sau khi cổ phần hoá Tổng công ty.
Tuy nhiên, theo Kết luận của Bộ Y tế, trước khi cổ phần hóa (ngày 1/1/2014), ông Lê Văn Sơn không tham gia vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dược Việt Nam. Sau Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ, Tổng công ty đã tiến hành tổ chức Hội nghị bất thường ngày 28/9/2015 để thông qua phương án cổ phần hóa. Tại Biên bản ngày 29/8/2015, Hội nghị đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Dược Việt Nam và biểu quyết thông qua việc ủy quyền cho Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam được quyền điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết mà không cần phải thông qua Hội nghị người lao động. Biên bản hội nghị đã được Thư ký, Chủ trì Hội nghị và đại diện người lao động thay mặt Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam ký tên.
Sau khi cổ phần hóa, ngày 8/12/2016, ông Lê Văn Sơn được bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP. Sau khi chuyển đổi hoạt động sang Công ty cổ phần, Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. Mặt khác, Văn bản số 6444/BYT-KHTC ngày 10/11/2017 của Bộ Y tế về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC có nêu: Trong thời gian Bộ Y tế chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP về SCIC, đề nghị người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, biểu quyết việc không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10382/VPCPĐMDN ngày 11/12/2015 của Văn phòng chính phủ.
Bộ Y tế cũng chưa thấy có Văn bản nào của Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP có chủ trương tái cơ cấu từ khi chuyển đổi sang công ty cổ phần đến nay.
Về việc chia chia quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp, Đơn của công dân tố cáo Tổng công ty Dược Việt Nam thực hiện cổ phần hóa đã vi phạm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, không thông qua đại diện người lao động (Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty Dược Việt Nam), không chia quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho 43 người lao động tại Trung tâm dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016.
Kết quả xác minh của Bộ Y tế cho thấy, Trung tâm Dịch vụ Thương mại Dược Mỹ phẩm là đơn vị có con dấu riêng, tài khoản riêng, mã số thuế riêng, quyết toán thuế riêng, có báo cáo tài chính riêng. Theo quy định về phân cấp quản lý về công tác tổ chức - lao động tiền lương cho Trung tâm (Quyết định số 072/QĐ-TCTD), : Giám đốc Trung tâm chỉ đạo xây dựng Quy chế trả lương, Quy chế thưởng để áp dụng trong nội bộ Trung tâm; Trung tâm chịu trách nhiệm trả lương, đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành; giải quyết mọi chế độ chính sách đối với người lao động (nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động…) theo quy định của Luật Lao động, Luật BHXH hiện hành. Quyết định nêu trên đã quy định người lao động của Trung tâm được hưởng lương, đóng bảo hiểm do Trung tâm chi trả và không có tên trong bảng lương của Tổng công ty dược Việt Nam...
Các nội dung tố cáo còn lại cũng được Bộ Y tế kết luận là không có cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là nội dung tố cáo việc chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội có dấu hiệu vi phạm trái quy định luật đất đai, với diện tích 2670 m2, Tổng công ty Dược Việt Nam được Nhà nước giao quản lý theo hình thức thuê đất đã hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex –PVC theo Hợp đồng 393/HTĐT/2020 ngày 7/7/2010 để xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư (dự án PVV- Vinapharm Tower) đến năm 2015 đã được xây dựng và có dấu hiệu lợi ích nhóm, Đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để xác minh, kết luận nội dung tố cáo này.
Liên quan đến lô đất tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Bộ Y tế cho biết, tại Mục 34.1 của Kết luận số 1468/KLTTCP ngày 04/9/2018 của Thanh tra Chính phủ có ghi “Tại thời điểm thanh tra, Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhà chung cư cao 23 tầng và 1 tầng hầm. Đối với tầng kỹ thuật, hiện tại đang để trống, chủ đầu tư chưa sử dụng vào công năng kỹ thuật, vi phạm Khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014: “Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung”. Tuy vậy, trong nội dung của Kết luận số 1468/KL-TTCP không thấy có mục nào nói về việc Tổng công ty Dược Việt Nam có sai phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như những sai phạm khác của Tổng công ty dược Việt Nam.
Các nội dung liên quan đến Dự án tại lô đất lô đất tại 60B Nguyễn Huy Tưởng được nêu trong Kết luận số 1468/KL-TTCP đều giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát….
Theo báo cáo của Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP, Tổng công ty này không nhận được văn bản chỉ đạo nào của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội về các nội dung liên quan đến Dự án tại lô đất 60B Nguyễn Huy Tưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận