Bộ Xây dựng đang kiểm tra hiện tượng giá thép tăng 30 - 40%
Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đang giao cơ quan chức năng kiểm tra để xác định cụ thể việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là thông tin giá thép xây dựng tăng đột biến 30 - 40%.
Trao đổi riêng với PV, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trước thông tin từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) về việc giá thép xây dựng tăng đột biến (30 - 40%), Bộ Xây dựng đang giao cơ quan chức năng kiểm tra để xác định cụ thể.
Cũng theo ông Bắc thời gian qua chỉ có giá sắt thép xây dựng ghi nhận mức tăng cao (30 - 40% theo như thông tin từ VACC) còn các sản phẩm khác như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng... cơ bản không tăng.
Tuy nhiên, theo thông tin đại diện một nhà thầu là thành viên của VACC, từ trung tuần tháng 4, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra, với mức tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn trở lên.
Lý do được các doanh nghiệp sản xuất xi măng thông báo là do hiện tại chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như: than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm tăng.
Ngoài ra, một trong những mặt hàng vật liệu xây dựng cũng đang tăng nóng là cát, sỏi. Mặt hàng này tăng giá mạnh ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, địa điểm khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long… Cát xây dựng ngày càng khan hiếm trong khi việc khai thác gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp muốn mua đều phải đặt hàng trước.
Nhà thầu kêu cứu
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC hiện sắt, thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng nhưng giá bán lại đang “đội” lên tới 40% khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó. Nhiều đơn vị đã phải tạm giãn tiến độ thi công để chờ đợi diễn biến của thị trường.
Cũng theo ông Hiệp việc tăng giá vật liệu xây dựng đang khiến các nhà thầu xây dựng vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng. Trong khi đó, các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.
Cụ thể, theo VACC các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt ở tháng 4. Đại diện VACC dẫn chứng trên thị trường giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện mức giá của mặt hàng này ở Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng tới 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán vẫn chỉ là 13.805 đồng/kg. Bên cạnh đó, VACC cũng cho biết không chỉ riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối năm trước.
Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà thầu đang gặp phải, theo thông tin từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, mới đây VACC đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong khi đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên cả các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải chủ động tìm giải pháp “tự cứu mình”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận