Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế
Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam lại phải đương đầu với một khó khăn khác đang chờ đợi phía trước, đó là nguy cơ nền kinh tế bị rơi vào suy thoái, mà theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “chống suy thoái kinh tế cũng như chống giặc”.
Về lý thuyết, nếu tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế sụt giảm liên tục trong hai quí liền kề thì nền kinh tế đó xem như rơi vào suy thoái. Tăng trưởng GDP của chúng ta trong quí 1 đạt 3,82%, đến quí 2 tăng trưởng GDP giảm xuống 0,36%, tính hết sáu tháng đầu năm GDP cả nước chỉ tăng 1,81%, là mức tăng trưởng kinh tế sáu tháng thấp nhất trong nhiều thập kỷ, kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Vì vậy, khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng cuối năm là rất cao.Sau “giặc” dịch giờ tới “giặc” suy thoái
Ngay từ lúc tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Các bộ ngành phải xắn tay áo vào, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cần hun đúc tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới, phát triển”. Đến ngày 2-7, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng lại tiếp tục đốc thúc: “Các đồng chí phải nóng ruột lên!”.
Điều đó cho thấy dường như đang có một sức ì nào đó quá lớn khiến cho cỗ xe tam mã, gồm xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư công vẫn không thể tăng tốc để tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Một cách khách quan, có thể nhận thấy xuất khẩu sẽ là một bài toán khó kể từ nay cho đến ít nhất là hết cuối năm khi tình hình dịch bệnh trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu khả quan, khiến cho thị trường thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi. Cỗ máy xuất khẩu là một động lực kinh tế mà ta không ở thế chủ động. Triển vọng đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng GDP hoàn toàn phụ thuộc vào hai câu hỏi là khi nào các thị trường đối tác mở cửa, trở lại hoạt động bình thường và khi nào thì vaccin được phổ biến rộng rãi. Cho đến khi nào chưa có câu trả lời chính xác thì xuất khẩu sẽ không thể khởi động được cỗ máy kinh tế.
Tiêu dùng cũng là một bài toán khó bởi lẽ nhu cầu thị trường nội địa của chúng ta vốn không đủ lớn để có thể bù trừ cho sự mất mát từ doanh số xuất khẩu, nay còn bị thu hẹp do tác động tiêu cực của việc cắt giảm thu nhập, công ăn việc làm và triển vọng kinh tế. Những nỗ lực kích cầu nội địa, chẳng hạn như kích cầu du lịch trong nước, đang được ráo riết triển khai ở khắp các địa phương nhưng kết quả bước đầu không khả quan vì nhiều hạn chế cả khách quan lẫn chủ quan. Các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi nhưng khách hàng vẫn thưa thớt là những minh chứng thực tế cho thấy tiêu dùng nội địa, có thể phần nào đó khả quan hơn xuất khẩu nhưng vẫn là một động cơ yếu ớt.
Giờ là lúc cần đột phá, thậm chí là “xé rào”
Giờ đây tất cả đều trông cậy vào giải pháp mũi nhọn là đầu tư công. Bởi vì đây là động lực tăng trưởng mà Chính phủ nắm quyền chủ động. Gói kích thích tài khóa thông qua đầu tư công trị giá 700.000 tỉ đồng được xem là một cú hích mạnh đối với tổng cầu, kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và từ đó kích thích hay chí ít cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng cho sáu tháng cuối năm. Thế nhưng, dữ liệu thực tế cho thấy tính từ đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 30% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn ODA chỉ 10%, có địa phương còn không giải ngân được một đồng vốn ODA nào. Nguyên nhân chính cũng đã được chỉ ra, do vướng thủ tục, quy định pháp lý, chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng.
Để vượt qua rào cản này, cần phải có giải pháp đột phá, thậm chí các địa phương phải dám “xé rào” trong một số tình huống để giải ngân vốn đầu tư công. Có thể câu nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một gợi ý tiếp cận: “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục tư duy kiểu thời chiến, với đặc tính là nhanh chóng, táo bạo, đặc biệt dựa trên sự quyết đoán và chịu trách nhiệm của người chỉ huy.
Nhưng các chỉ huy lại sợ giai đoạn “nhạy cảm”
Thế nhưng lúc này, mọi người lại thường nói với nhau đây là giai đoạn “nhạy cảm”, một cách nói tránh cho thực trạng hiện nay ít có vị chỉ huy nào lại mạo hiểm để đưa ra các quyết định đột phá vào mùa làm công tác nhân sự. Nhưng phải chăng đó cũng là một phản ứng hành vi tất yếu được tạo ra bởi cơ chế hiện nay?
Án binh bất động để đợi qua giai đoạn nhạy cảm này và có thể lấy một lý do hoàn hảo cho bất kỳ một hạn chế nào của ngành hay địa phương là do “các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19”. Đó là một câu “thần chú” hữu hiệu nhất hiện nay có thể hóa giải mọi vấn đề trách nhiệm. Thế nhưng ở chiều ngược lại, nếu một tư lệnh ngành hay địa phương đưa ra các quyết định đột phá lúc này để vượt qua các rào cản thể chế, pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, nếu lỡ như mai này có rủi ro nào đó phát sinh thì liệu lý do “Covid-19” có giúp họ tránh khỏi các truy cứu trách nhiệm hay không?
Đây có lẽ là tắc nghẽn lớn nhất của dòng vốn đầu tư công, hay tổng quát hơn là hiện trạng “trên nóng dưới lạnh” mà người đứng đầu Chính phủ đang trăn trở. Vì vậy, giải pháp cần thiết là tạo ra một cơ chế phòng ngừa rủi ro ra quyết định cho các vị tư lệnh ngành và địa phương. Đề xuất thành lập “Ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế” do Thủ tướng làm trưởng ban có thể là một gợi ý khả thi cho giải pháp vừa nêu.
Ban chỉ đạo có vai trò như một Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế trong cuộc chiến chống suy thoái, cần kịp thời đưa ra các quyết định hay chỉ thị đột phá hoặc trao cho các vị chỉ huy ở chiến trường những công cụ quyền lực đặc biệt để có thể xoay chuyển được các tình thế, rào cản của địa phương. Nhưng song song với đó, cũng cần bảo vệ họ khỏi các rủi ro và truy cứu trách nhiệm nếu các yếu tố khách quan chuyển biến bất lợi.
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…!” là một câu nổi tiếng, được trích từ nội dung bức điện khẩn của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đi từ Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 7-4-1975 cho các cánh quân đang hành quân thần tốc, quyết giải phóng miền Nam. Nội dung bức điện vừa là mệnh lệnh, cũng vừa là giải pháp và sự cổ vũ của Bộ chỉ huy chiến dịch đối với các vị chỉ huy đang trực tiếp chiến đấu và đối phó với những diễn bất ngờ trên chiến trường. Nhắc lại sự kiện lịch sử để thấy bối cảnh ngày nay cũng vậy, để tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế, Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế cũng cần truyền đi những thông điệp táo bạo và quyết liệt như thế.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận