Bộ trưởng Y tế: Loạn giá xét nghiệm do 'mải mê' chống dịch
Ông Nguyễn Thanh Long nói đã yêu cầu "thực thanh thực chi" với chi phí xét nghiệm từ đầu tháng 7 nhưng nhiều đơn vị tháng 9 mới thực hiện do mải chống dịch.
Sáng nay (10/11), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm là việc quản lý giá với các mặt hàng y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giá cả khác nhau do có nhiều hãng, nhiều nước sản xuất và do tính thời điểm.
"Khi cung ít cầu nhiều thì giá thành cao hơn. Như hồi đầu dịch năm 2020, khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm nên bị đẩy giá lên cao. Sau đó, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nên giá hạ", Bộ trưởng nói.
Riêng với kit test Covid-19, trước ngày 1/7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế dự báo thị trường sôi động hơn, đã yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng "thực thanh thực chi". Để giảm giá thành, Bộ cũng liên tục có điều chỉnh về chiến lược xét nghiệm, như hướng dẫn test gộp mẫu. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị đến tháng 9 mới thực hiện.
"Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị mới nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa giơ biển tranh luận và cho rằng đây là thiếu sót rất lớn. Ông cũng đặt câu hỏi có hay không chuyện Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm Covid-19, dẫn đến mỗi địa phương một giá.
"Giá xét nghiệm đề ra có hơn 100.000 đồng, nhưng tôi xét nghiệm ở bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất giá 440.000 đồng", đại biểu nêu thực tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang thúc đẩy sản xuất trong nước, nên năng lực sản xuất và khả năng cung ứng kit xét nghiệm cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Bộ cũng ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm, tính giá tối đa của test nhanh là 106.000 đồng. Nếu đơn vị đấu thầu giá thấp hơn thì chỉ được thu giá thấp hơn.
Ngày 8/11, Chính phủ ban hành Nghị định 89 về quản lý trang thiết bị y tế. Điểm mới của nghị định này, theo ông Long, là minh bạch toàn bộ quá trình quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đưa mặt hàng này vào quản lý giá.
"Chúng tôi cũng thúc đẩy nghiên cứu sản xuất phương pháp chẩn đoán mới như qua hơi thở, nước bọt để giảm giá thành", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận