Bộ trưởng Xây dựng: Giá nhà không phù hợp với khả năng chi trả của số đông
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa gửi báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.
Nêu tại báo cáo này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị” – báo cáo nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng thừa nhận rằng giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Theo cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Đáng chú ý theo Bộ này, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
“Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản”, Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài ra lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường nhưng thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.
“Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật”, Bộ Xây dựng cho biết.
Một trong những vấn đề của thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng đưa ra là nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay tương đối lớn và đa dạng trong khi đó hệ thống pháp luật hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Đẩy giá nhà ở bình dân chạm ngưỡng phân khúc trung cấp
Đánh giá về tình trạng cung – cầu trên thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HM:HCM) (HoREA) cho rằng, đang xảy ra “lệch pha cung – cầu” và ngày càng rõ nét.
Theo HoREA, trong 5 năm qua, đáng lưu ý là tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. HoRAE dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch.
Đồng thời, đã xuất hiện dấu hiệu “lệch pha cung-cầu” trên thị trường bất động sản, đi đôi với dấu hiệu thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel) như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.
Báo cáo thị trường mới đây từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây Hà Nội, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Tại Hà Nội, trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản, rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân.
Trong khi đó, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tuy nhiên cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Thậm chí, có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.
Còn tại TP.HCM, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.
"Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến ty lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị lớn" - báo cáo của Hội Môi giới cho biết.
Nhận định về thị trường trong giai đoạn 2018-2020, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, nhiều doanh nghiệp bất động sản “vừa và nhỏ”, đã “yếu thế” lại càng thêm “yếu thế” hơn, so với các Tập đoàn và doanh nghiệp lớn; Nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản bị sụt giảm liên tục trong 3 năm qua.
“Trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà” – ông Châu nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận