Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xin Quốc hội cho ACV làm nhà đầu tư dự án sân bay Long Thành
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ACV mới chỉ được giao lập dự án đầu tư dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do đó, ACV chưa phải là nhà đầu tư của dự án. Nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV làm chủ đầu tư thì dự án sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm
Hiện Bộ GTVT đang thực hiện xây dựng hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Để lựa chọn nhà đầu tư uy tín cho các dự án đầu tư công, đến nay, Bộ GTVT đang triển khai đấu thầu tổ chức thi công, hoàn thành trong năm nay, sang năm 2020 chỉ thực hiện xây lắp.
Ngoài dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT cũng đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 và đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội.
Trong đó, hạng mục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tách thành một dự án thành phần (gọi tắt là Dự án GPMB). Như vậy, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 2 dự án thành phần: Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản và Dự án GPMB do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư.
Đối với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đấu thầu trong nước. “Đến thời điểm này, khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ. Chúng tôi kỳ vọng có thể thu hút được 50 - 60 nhà đầu tư trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án Cảng hàng không (Sân bay) quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyên Văn Thể khẳng định: “Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới chỉ được giao lập dự án đầu tư. Do đó, ACV chưa phải là nhà đầu tư của dự án. Đây là dự án liên quan an ninh quốc phòng và nhiều vấn đề khác, chỉ có thể tuyển chọn nhà đầu tư trong nước”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đấu thầu dự án sân bay Long Thành chưa chắc đã lựa chọn được nhà đầu tư có hồ sơ kinh nghiệm. Hiện mới chỉ có, ACV đang quản lý khai thác 21 sân bay. Sun Group thì mới triển khai duy nhất Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Theo Luật Đấu thầu, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT sẽ xin phép Chính phủ để mở thầu để chọn nhà đầu tư đó. Như vậy, sẽ mất 1 năm cũng chỉ để chọn ACV. Do đó, nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm. Sang năm 2020, chúng ta chỉ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, sang 2021 có thể khởi công.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu được Quốc hội thông qua Dự án sẽ khởi công dự án vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
Dự án sẽ được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực vớ quy mô đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án nằm trên diện tích đất là 5.000 héc-ta, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không là 2.750 héc-ta; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 héc-ta; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 héc-ta.
Để dự án sớm được đưa vào khai thác vận hành, Dự án CHK quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận