Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, không lấy cớ “xoay” doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đã kê khai điện tử thì phải tránh việc doanh nghiệp phải mang thủ tục giấy đến vì đằng sau hồ sơ giấy là dứt khoát có vấn đề.
Sáng 17/3 đã diễn ra cuộc Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức.
Nhấn mạnh tại cuộc Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rằng, năm 2018 Việt Nam đã giảm được trung bình 6 giờ thông quan đối với hàng xuất khẩu và 3 giờ đối hàng nhập khẩu nhưng năm vừa qua lại có bước thụt lùi.
Báo cáo về vấn đề này, ông Đàm Mạnh Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, so với 2019, chỉ số về giao dịch thương mại không biên giới năm 2002 giảm 7,4 điểm, theo chi phí thời gian, chi phí trực tiếp.
Những chi phí này tăng cao không chỉ do ngành hải quan mà còn do chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng giao thông bến bãi ứng dụng khoa học kĩ thuật chưa phát triển kịp với lưu lượng gia tăng hàng hóa.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế cũng như thiếu các trung tâm logistic cấp quốc gia và quốc tế tại các khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hoá là những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao trên thế giới, cũng như chi phí giao dịch thương mại không biên giới tăng lên.
Để cải thiện những chỉ số này, trong những năm tới, Tổng cục Hải quan sẽ không ngừng nâng cao cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Hiếu cam kết.
Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết, năm 2019, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án về kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu, trừ các có mặt hàng liên quan tới an ninh quốc phòng hay kiểm dịch. Nếu đề án này được thực thi thì theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian kiểm tra chuyên ngành sẽ giảm tối thiểu 2 ngày/lô hàng.
Chất vấn Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng so sánh, cùng là cải cách và đều do Bộ Tài Chính chỉ đạo nhưng cơ quan thuế có những cải cách hết sức cụ thể, rất tốt còn ngành hải quan lại thụt lùi, giảm điểm. "Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng cải cách chưa thực chất", Bộ trưởng Dũng nói.
Phân tích về vấn đề này, người đứng đầu Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, cải cách thuế từ trung ương đến địa phương vừa qua làm rất tốt, từ việc cải cách sắp xếp lại bộ máy thuế khu vực, giảm nhiều chi cục thuế cấp huyện và kết nối kê khai điện tử 100%, doanh nghiệp không cần đến kho bạc nộp thuế, việc quyết toán thuế cũng thực hiện trên môi trường điện tử 100%.
Còn đối với ngành hải quan, vấn đề phân luồng, kiểm tra chuyên ngành chi phí thời gian và chi phí phi chính thức tăng mặc dù Thủ Tướng đã rất quyết liệt chỉ đạo về hải quan điện tử.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, gần đây các bộ chuyên ngành cũng đã có cải cách rất mạnh mẽ. Đơn cử như thay vì hải quan trước khi thông quan phải có kiểm tra của bộ chuyên ngành như vấn đề an toàn phải có Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xuống kiểm tra mà giờ đây cơ quan hải quan sẽ tiến hành thủ tục thông quan. Vì vậy, chỉ còn là vấn đề thủ tục.
"Tôi đề nghị toàn bộ vấn đề về thủ tục phải được tiến hành điện tử, tránh vấn đề liên quan đến công nghệ, ứ đọng, đường truyền. Tránh việc doanh nghiệp đã kê khai điện tử rồi còn phải mang thủ tục giấy đến”, Bộ trưởng nói.
“Giao dịch không tiếp xúc dứt khoát sẽ bỏ được vấn đề tiêu cực vì đã không tiếp xúc thì sẽ không biết đưa cho ai cả, mà đã mang hồ sơ đến thì dứt khoát đằng sau phải có vấn đề”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Phải kết nối từ cơ quan hải quan đến thông quan, vận tải,... để tránh doanh nghiệp phải đến cơ quan của Bộ Giao thông vận tải để lấy giấy tờ ra kho bãi. Kết nối điện tử toàn bộ để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu.
Thứ hai là Thủ Tướng đã chỉ đạo chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vì vậy, sau 3 lô hàng thì không phải kiểm tra tiền kiểm nữa, nhưng nếu làm không tốt thì doanh nghiệp sẽ còn lo hơn cả tiền kiểm.
Vì vậy, rất cần phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng phải rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không phải lấy điều đó để “xoay” doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận