Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư: TP.HCM đang tăng trưởng chậm lại
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 17 của Bộ Chính trị sáng 12/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, TP.HCM cùng vùng Đông Nam Bộ phải định hình lại cơ hội phát triển.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đánh giá, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng trưởng 5,6%, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,5%, trong khi cả nước tăng 5,9%. Sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương còn nhiều bất cập.
TP đã đưa ra nhiều đề xuất để thúc đẩy liên kết vùng. Đó là mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng; nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
Song song với đó, ưu tiên nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển hệ thống logistics...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, xác định đến năm 2045, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đề ra. Trước hết đây phải là đầu tàu thật mạnh, vừa đóng góp vừa làm lực kéo cho cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, công tác lập quy hoạch vùng cần khẩn trương thực hiện, trong đó, vai trò của hội đồng vùng để liên kết các vùng là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, TP.HCM cùng vùng Đông Nam Bộ phải định hình lại cơ hội phát triển, không nên chỉ so sánh trong nước mà phải so sánh với quốc tế mới xứng tầm, từ đó đề xuất những cơ chế để phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị TP rà soát để tìm ra nguyên nhân tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại cũng như các mặt hạn chế, phải lấy lại vị thế "hòn ngọc Viễn Đông" trước đây.
"TP không phải chỉ dừng lại ở tăng trưởng ở 7-8% mà nếu thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, có tầm nhìn mới, tổ chức thực hiện cho tốt thì có thể TP.HCM có thể tăng trưởng đến hai con số. Tăng trưởng này không chỉ ở vài ba năm mà có thể kéo dài hàng chục năm", ông Dũng nhận định đồng thời khẳng định, nếu có trung tâm tài chính, hàng không, giải trí, kết nối liên vùng, phát triển đô thị thông minh, bền vững... thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của TP.HCM và khu vực sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận