Bộ trưởng đặt nghi vấn găm xăng dầu, nửa tháng kiểm tra chưa có kết quả?
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện từ trước Tết về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, song chỉ một số đơn vị báo cáo nguồn cung căng thẳng khiến doanh nghiệp phải đóng cửa.
Trong khi đó, chưa có một phát hiện hay báo cáo nào liên quan đến tình trạng cửa hàng, đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu găm hàng chờ tăng giá.
Theo thông tin của Tuổi trẻ Online, hiện mới chỉ có một vài Cục quản lý thị trường địa phương gửi báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường về việc kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn là An Giang và TP.HCM, Tiền Giang...
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có công điện trực tiếp chỉ đạo gồm Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, nêu rõ thời gian gần đây Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước. Trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Vì vậy, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bộ trưởng Bộ Công thương đã đề nghị các đơn vị trên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu, để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, xử lý nghiêm nếu có.
Tuy vậy, đến nay sau gần nửa tháng công điện được ban hành, báo cáo nhanh của hai đơn vị này đều cho hay có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc treo biển hết một số mặt hàng do khan hiếm nguồn cung và một số lý do khác.
Đơn cử tại TP.HCM, Cục quản lý thị trường TP.HCM cho hay nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh gặp khó khăn trong việc mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền, khả năng có một số cửa hàng xăng dầu đứt nguồn xăng Ron 95 dẫn đến sẽ ngừng bán.
Qua giám sát, nắm tình hình có một số cây xăng tạm ngưng hoạt động, do thiếu xăng RON95 hoặc các lý do khác như sửa chữa, thiếu nhân viên. Ví dụ, tại Trạm xăng dầu Phú Định K26 (thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM) đặt tại phường 16, quận 8 có kéo rào không bán lẻ xăng cho khách vãng lai.
Hay tại nhiều công ty kinh doanh xăng dầu tư nhân trên địa bàn TP.HCM cũng phải ngưng bán xăng do không còn hàng, hoặc đang sửa chữa, như Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (quận Gò Vấp); Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (quận 12); Cửa hàng xăng dầu Z11, Chi nhánh Công ty Cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An (quận 12)…
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường An Giang, phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh nhưng do nguồn cung không được đảm bảo, nên phát sinh một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Tại huyện Thoại Sơn, có 7 cửa hàng trong tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, ngừng hoạt động do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Tại huyện Phú Tân có 5 trường hợp ngưng hoạt động, trong đó có doanh nghiệp nêu lý do là kinh doanh lỗ nên xin nghỉ bán. Tại huyện Châu Thành, huyện An Phú đều có 5 trường hợp ngưng hoạt động với lý do hết xăng, nguồn cung cấp không kịp thời…
Một đầu mối khác kinh doanh xăng dầu ở phía Nam cũng cho hay cũng không loại trừ tình trạng nhiều đại lý cửa hàng kinh doanh xăng dầu dù vẫn còn hàng nhưng do thua lỗ (theo tính toán mỗi lít xăng dầu bán ra đang lỗ khoảng 1.000 đồng) nên xin đóng cửa, chờ kỳ điều chỉnh giá tới vào ngày 11 mới mở bán để giảm lỗ.
Cũng bởi, theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, chu kỳ điều hành xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng nhưng kỳ điều hành đầu tháng 2 vừa qua rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên dừng điều hành. Thực tế này khiến cho giá xăng dầu bị "nén" lại ở mức thấp, trong khi giá thế giới liên tục tăng, doanh nghiệp bị thua lỗ khi bị cắt hết hoa hồng và chiết khấu về 0 đồng.
Có phương án kiểm tra đột xuất
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, để thực hiện theo công điện của Bộ trưởng Bộ Công thương, các đơn vị liên quan đã đưa ra các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu.
Trong đó có các phương án, kế hoạch để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên, báo cáo nhanh từ các địa phương cho hay có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân song đơn vị này không có thông tin, phát hiện nào về những trường hợp găm hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận