Bỏ trần vé máy bay: Các hãng 'chơi' sòng phẳng hay cơ hội bán 'phá giá'?
Nhiều ý kiến cho rằng khi vé không còn mức trần, có thể các hãng sẽ bắt tay nhau để "đẩy giá" khiến khách phải chịu thiệt. Tuy nhiên, khi "sân chơi" có nhiều người, không phải muốn làm gì cũng được.
Đại diện Vietnam Airlines bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay của Cục Hàng không và cho đây là giải pháp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cũng như đảm bảo "sức khỏe" tài chính của các hãng hàng không trong nước, năng lực cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài, đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn.
Theo đại diện Vietnam Airlines, hiện ngành hàng không Việt Nam chưa có các cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không. Việt Nam chưa có cơ chế để giám sát, theo dõi về chi phí khai thác của các hãng; chưa có cơ chế kiểm soát chống bán phá giá cũng như chế tài để xử lý việc bán phá giá.
"Việc bán phá giá gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, làm giảm khả năng cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam" - đại diện Vietnam Airlines nói và cho rằng việc bỏ trần giá vé máy bay là cần thiết.
Đối với Vietravel Airlines - hãng hàng không non trẻ vừa gia nhập thị trường - việc bỏ trần giá vé được cho là một tín hiệu tốt và tạo nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.
Đại diện Vietravel Airlines cho biết, đã là cơ chế thị trường thì cần vận hành theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp tham gia thị trường phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lời ăn, lỗ chịu. Tất cả đều do cách tiếp cận thị trường và vận hành doanh nghiệp.
Về ý kiến e ngại việc bỏ giá trần có thể tạo cơ hội cho các hãng hàng không "bắt tay" đẩy giá, khiến hành khách bị thiệt, đại diện Vietravel Airlines cho hay: Hành khách đi máy bay biết rõ mức giá nào hợp lý. Giờ không chỉ còn một, hai hãng mà có thêm nhiều "người mới".
"Hãng hàng không phải tự cân nhắc mức giá đưa ra thế nào để được thị trường chấp nhận, hành khách lựa chọn. Người cầm "roi" chính là khách hàng. Đẩy giá cao vô tội vạ, khách sẽ "phạt" không đi, khi đó doanh nghiệp có tồn tại nổi không?" - đại diện Vietravel Airlines nêu rõ.
Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015 và áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá từ 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Mặc dù thời gian qua các hãng hàng không đã đề xuất điều chỉnh giá vé cho phù hợp thực tiễn khai thác và giá nhiên liệu bay, nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn giữ nguyên khung giá tối đa đã ban hành theo chỉ đạo Chính phủ nhằm bình ổn giá.
Mới đây, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng đang lấy ý kiến sửa đổi điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần giá vé, áp dụng với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.
Với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Đối với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ GTVT.
Cục Hàng không cho rằng, bỏ trần giá vé sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn. Trong khi đó, nếu tiếp tục áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ trên những đường bay cạnh tranh, bởi hiện nay nhiều đối tượng hành khách có nhu cầu sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để sử dụng dịch vụ hàng không tương xứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận