Bỏ trần giá vé máy bay: Nên hay không?
Trước đề xuất bỏ trần giá vé máy bay của Cục Hàng không Việt Nam mới đây, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù điều này phù hợp với quy luật thị trường, nhưng hiện chưa phải là thời cơ thích hợp bởi thị trường hàng không Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, đặc biệt vẫn còn doanh nghiệp chiếm lĩnh phần lớn thị phần nên việc giữ giá trần là điều hợp lý để bảo vệ quyền lợi của hành khách.
Cụ thể, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang được lấy ý kiến, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất sửa đổi điều 116 của Luật về giá dịch vụ vận chuyển hàng không theo hướng: Trường hợp đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không được quyết định giá vé, thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác của dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông - Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải.
Theo Cục Hàng không lý giải, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại: “Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không thường có mùa cao điểm, mùa thấp điểm. Chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng và ngược lại những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách. Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết.
Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến bỏ trần giá vé máy bay, năm 2014, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã từng đề xuất ý kiến này, nhưng không được thông qua. Năm 2015, Chính phủ cũng đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay. Từ thời điểm đó đến nay, đã nhiều lần các hãng hàng không đề nghị tăng trần giá vé. Gần đây nhất, Vietnam Airlines đã đề nghị áp giá sàn và tăng giá trần vé máy bay 50.000-250.000 đồng/chặng phù hợp với diễn biến mới của giá nhiên liệu, cũng như vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19.
Trước đề xuất của Cục Hàng không, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Theo khảo sát, đa số khách hàng đều tỏ ra lo lắng việc bỏ đi mức giá trần sẽ dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp hàng không tăng giá vé máy bay, nhất là trong những mùa cao điểm du lịch, dịp lễ tết.
Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), mức giá trần được nhà nước quy định là một công cụ để bảo vệ khách hàng, nếu như bỏ đi để thị trường điều tiết thì sẽ có tình trạng tăng giá vé. Nhất là đối với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, một số doanh nghiệp lớn đang thống lĩnh thị trường và có thị phần áp đảo.
Cụ thể, theo báo cáo mới đây, trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa của Vietnam Airlines Group (bao gồm các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt 5,4 triệu khách, thị phần đạt 48,2%; Vietjet Air vận chuyển 3,8 triệu lượt khách, thị phần đạt 34,2%; Bamboo Airways đạt 1,85 triệu khách và 16,6% thị phần; Vietravel Airlines mới thành lập từ cuối năm 2020 nên kết quả khai thác còn hạn chế, ở mức 120 nghìn khách vận chuyển và 1% thị phần.
Theo luật cạnh tranh, việc quản lý giá của nhà nước không phải căn cứ vào số lượng các doanh nghiệp mà là thị phần, nhà nước sẽ định giá khi có doanh nghiệp chiếm vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường. Một chuyên gia thẳng thắn, nếu bỏ đi trần giá vé máy bay, thì sẽ trái với luật cạnh tranh đang hiện hành. Bởi lẽ, luật cạnh tranh đã quy định doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: có 1 doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên, có 2 doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; có 3 doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 65% trở lên…
Chính vì vậy, các chuyên gia đều đồng tình nên có lộ trình phù hợp để có thể bỏ trần giá vé máy bay. Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc này nên được làm từng bước một, tránh đột ngột để ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Thay vào đó, các hãng nên có sự cạnh tranh với nhau về chất lượng phục vụ, giá cả. Nếu bên nào có dịch vụ tốt hơn thì sẽ được khách hàng tin dùng.
Cũng theo ông Thịnh, trước mắt có thể tính toán đến việc bỏ trần giá vé đối với hạng thương gia hoặc nâng trần đối với hạng vé này. Bởi lẽ, những hành khách đi hạng thương giá sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn để tận hưởng dịch vụ tốt, cao cấp hơn. Điều này có thể thúc đẩy các hãng tăng cường nâng cấp dịch vụ, cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên về phía các doanh nghiệp hàng không, đa số đều bày tỏ đồng tình với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam. Đại diện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) khẳng định, Điều 12, Khoản 1 của Luật Cạnh tranh quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, nếu các hãng hàng không “bắt tay” thống nhất về giá là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, lo lắng của khách hàng về việc các hãng hợp tác tăng giá vé là điều sẽ không xảy ra. Mặt khác, nếu như tăng giá vé một cách bất hợp lý thì chính các hãng sẽ bị người dùng tẩy chay, lựa chọn phân khúc giá rẻ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận