Bỏ tiền tỷ mua nhà, người Hà Nội phải "cắn răng" đỗ xế hộp trên vỉa hè
Do thiếu hầm gửi xe, nhiều hộ dân tại khu đô thị HH Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ, Đại Thanh... phải chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để làm chỗ đậu ô tô.
Thiếu hầm, phải gửi ô tô trên vỉa hè
Sau 5 năm đắn đo, anh Đỗ Trung Hà (SN 1989), sống tại khu chung cư HH Linh Đàm mới quyết định chi 800 triệu đồng mua một chiếc ô tô mang thương hiệu của Nhật Bản.
Sở dĩ, anh Hà phải suy nghĩ suốt 5 năm mới quyết định mua ô tô là vì, khu chung cư HH Linh Đàm luôn trong tình trạng quá tải. Toàn bộ khu chung cư, bao gồm 12 tòa nhà, hơn 40 tầng với hơn 30.000 nhân khẩu tuy nhiên, chỉ có duy nhất 1 tầng hầm để xe.
"Chỉ xe máy không thôi, tầng hầm tại tòa chung cư này cũng không thể đáp ứng nổi, lúc nào cũng chật kín. Sáng sớm, hàng dài đoàn xe phải xếp hàng chờ tới lượt. Do đó, ô tô không có "suất" gửi xe ở đây", anh Hà nói.
Bức xúc với tình trạng không có chỗ để ô tô dưới hầm, anh Minh (lái xe công nghệ), một hộ dân khác đang sinh sống tại khu chung cư HH Linh Đàm khẳng định, phải đến 98% hộ dân đang sinh sống tại đây phải gửi ô tô ở các bãi gửi xe bên ngoài, dưới lòng đường, vỉa hè hoặc bất kỳ khoảng trống nào có thể nhét vừa.
Anh Minh cho biết, có rất nhiều rủi ro khi neo đậu ô tô ở vỉa hè, lòng đường. Đơn cử, đã có nhiều trường hợp ô tô bị nhóm đối tượng lạ mặt tạt sơn, vẽ bậy, hoặc có xe bị trộm tháo biển số, vặt gương để bán cho chợ đen. Thậm chí, có xe bị tháo bánh, lấy trộm hệ thống cảm biến, phụ tùng, camera,...
Đó là chưa kể, việc để ô tô ngoài vỉa hè, lòng đường còn phải đối mặt với thời tiết nắng mưa thất thường, ảnh hưởng tới tuổi thọ của xe.
"Bản thân chiếc ô tô của tôi đã 2 lần mất gương chiếu hậu, chi phí thay thế là hơn 6 triệu đồng. Nhưng do chúng tôi không có suất gửi ô tô dưới hầm, nên buộc phải để bên ngoài", anh Minh bức xúc.
Không có hầm gửi ô tô, buộc người dân phải gửi bên ngoài.
Xung quanh khu chung cư, không thiếu những dãy xe để tràn lan 2 bên vỉa hè.
Để hạn chế việc đánh cắp phụ tùng, linh kiện ô tô, nhiều chủ xe đã có nghĩ ra đủ mọi cách như: khóa bánh, lắp camera, cảnh báo chống trộm hoặc phủ bạt che chắn, bảo vệ xe.
"Các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, không thể đảm bảo ô tô của mình được an toàn tuyệt đối. Dù vậy, trong thời gian gần đây, xung quanh khu chung cư này mọc lên một số bãi xe hợp pháp và cả tự phát, bảo vệ đi kiểm tra thường xuyên, cũng an tâm một phần", anh Minh nói thêm.
Người dân phủ bạt bảo vệ xe.
Bụi bám kín một chiếc xe đỗ trên vỉa hè bên hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Trao đổi với PV báo Dân trí, một bảo vệ tại hầm gửi xe khu chung cư HH Linh Đàm cho biết, chi phí gửi ô tô tại hầm dao động trong khoảng 900.000 - 1,5 triệu đồng/xe/tháng, tùy thuộc vào dòng xe. Trên lý thuyết là vậy, tuy nhiên không có hộ dân nào được phép gửi ô tô dưới hầm và phải nhường cho xe máy để tối ưu diện tích.
Không chỉ khu chung cư HH Linh Đàm, tình trạng thiếu chỗ gửi ô tô còn xuất hiện tại nhiều khu chung cư, khu đô thị khác tại Hà Nội. Trong đó, có khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai), khu chung cư Đại Thanh (Thanh Trì).
Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch
Theo quan sát của PV, không gian xung quanh cả 3 khu chung cư kể trên đang bị bóp nghẹt. Trên nhiều tuyến đường công cộng, người dân đậu xe vô tội vạ, chiếm dụng tới 4 làn đường.
Cả sân chơi cho trẻ em, vỉa hè cho người đi bộ, thậm chí, ngay dưới biển cấm dừng - đỗ, đều bị người dân chiếm dụng làm bãi đậu xe.
Khu đất trống sát sườn các tòa nhà cũng trở thành bãi đậu xe.
Ô tô đậu thành hàng bất chấp biển cấm.
Nhiều bãi đỗ xe tự phát "mọc lên" khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà để xe.
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, các điểm đỗ xe hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% còn lại chủ phương tiện phải tự lo như gửi ở cơ quan, trường học, hè phố.
Sau hàng loạt phương án như đỗ xe dưới lòng đường từ dọc sang chéo, xây bãi để xe cao tầng tự động, đỗ ô tô theo ngày chẵn - lẻ, đỗ xe một bên đường… Đến nay các phương án đều không hiệu quả, chỗ đỗ xe vẫn là nhu cầu cấp bách của nhiều người.
2 vỉa hè, 2 làn đường bị chiếm dụng làm bãi gửi xe.
Giới chuyên gia nhận định rằng, việc thiếu hầm gửi ô tô là hậu quả của việc buông lỏng quản lý trong quá trình xây dựng, dẫn tới việc quy hoạch tổng thể bị phá vỡ.
Ngoài ra, việc thiếu hầm gửi gửi ô tô không chỉ mang lại sự bất tiện của người dân, mà còn tạo ra sự ách tắc, ùn ứ cả một khu vực. Đồng thời, các bãi đậu xe tự phát sẽ mọc nhan nhản, khiến công tác quản lý trở nên khó khăn.
Bên cạnh các bãi xe tự phát, vẫn có các bãi xe thuộc UBND quận Hoàng Mai quản lý.
Bàn về giải pháp, KTS Lê Ngọc Chung, chuyên gia quy hoạch chỉ ra rằng, việc sửa sai tại các khu đô thị, khu chung cư thiếu hầm gửi xe bây giờ đã không còn quan trọng. Bởi không thể đập cả một khối bê-tông đi xây mới.
Do đó, chỉ còn cách "chữa cháy" bằng cách xây dựng các điểm trông - giữ xe hợp pháp cho người dân. Để tối ưu diện tích, các bãi gửi xe này phải sử dụng các công nghệ tiên tiến, như xây dựng bãi gửi xe thông minh, có kết cấu nhiều tầng.
"Để làm được điều này không khó, nhưng để thực hiện được không phải là dễ. Có thể nhìn vào cách quy hoạch của Hà Nội thì thấy, các bãi đất trống đều đã được quy hoạch thành dự án nhà ở, lấy đâu ra quỹ đất để xây dựng bãi để xe ô tô hiện đại.
Đó là chưa kể tới kinh phí, ai có trách nhiệm chi trả, Hà Nội hay doanh nghiệp. Ở thời điểm này, người dân phải chấp nhận thiệt thòi", ông Chung nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận