Bộ Tài chính: Kiểm soát, siết chặt thu phí tham quan, dịch vụ trông giữ xe sau Tết
Theo Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá nhất là dịch vụ tham quan, dịch vụ trông giữ xe sau Tết.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp quản lý, điều hành giá trước trong và sau Tết Quý Mão 2023, cơ quan này đánh giá tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và dự báo sẽ dần trở lại bình thường khi nguồn cung ổn định. Sau Tết là thời điểm bắt đầu của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ tăng.
Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, quý I và cả năm 2023, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô)...
Đối với mặt hàng xăng dầu, trong giai đoạn sau Tết là thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân, đề nghị Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tế để chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Đối với cả năm 2023, cơ quan này cho rằng công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5%. Trong đó, đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc tính toán, đánh giá tác động, chuẩn bị phương án để bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động dự báo và có các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, vật tư nông nghiệp…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận