Bộ Tài chính: Dư nợ TPDN đến cuối thàng 7/2023 khoảng 1.03 triệu tỷ đồng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành là 60,300 tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ TPDN tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1.03 triệu tỷ đồng, chiếm 10.8% GDP năm 2022, bằng 8.3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Cập nhật về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2023, Bộ Tài chính cho biết: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7, có 36 doanh nghiệp (DN) đã phát hành với khối lượng 61,200 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó DN BĐS chiếm 55% (33,000 tỷ đồng); 60.91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130,400 tỷ đồng (gấp 1.65 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng TPDN phát hành là 60.3 ngàn tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ TPDN tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1.03 triệu tỷ đồng, chiếm 10.8% GDP năm 2022, bằng 8.3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều DN đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực BĐS đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm; lãi suất được thỏa thuận tăng 0.5-3% so với lãi suất ban đầu. Việc các DN chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu được Bộ Tài chính đánh giá đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo điều kiện để DN có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.
Bộ Tài chính phân tích: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để ổn định thị trường, như triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa (giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có thị trường BĐS; đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp kích động, ảnh hưởng an ninh xã hội; ban hành kịp thời, các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN (Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN). Bên cạnh đó, Chính phủ đã lập các tổ công tác về ngân hàng, chứng khoán, TPDN và BĐS để kiến nghị giải pháp ổn định và phát triển thị trường. Theo đó thị trường đã dần ổn định trở lại.
Về những kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đã giao. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế (trong đó tính đến yếu tố thị trường TPDN chưa thể phục hồi được ngay trong năm 2023). Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng bên cạnh kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Bộ Tài chính nhấn mạnh giải pháp về thông tin truyền thông để các DN nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình chủ động áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh; tiếp tục truyền thông để ổn định tâm lý thị trường; tăng cường phổ biến chính sách đối với các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân.
Về theo dõi thanh toán TPDN đến hạn, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của DN, làm việc trực tiếp với DN có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các DN có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.
Về tăng tính thanh khoản của thị trường TPDN, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh triển khai các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Về phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở GDCK đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ. Hệ thống này đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2023.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: NHNN, UBCKNN, Sở GDCK tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về các giải pháp trong trung, dài hạn, Bộ Tài chính đề nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Các tổ chức tín dụng) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và DN; đẩy nhanh rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về phá sản DN để các DN có đủ quy trình thực hiện phá sản một cách có trật tự, góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS...
Trong báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu quý 3/2023, Công ty Chứng khoán VnDirect cho hay, sau khi bất ngờ tăng mạnh trong tháng 6, hoạt động phát hành và hoạt động mua lại TPDN riêng lẻ đã giảm trở lại trong tháng 7, trong khi hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực.
Theo thống kê, tính từ đầu tháng 7 cho đến ngày 26/7 có 12 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với tổng giá phát hành đạt 4,320 tỷ đồng, giảm 84.7% so với tháng trước.
Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 7. Tính đến ngày 26/7 đã có 38 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị trái phiếu DN được gia hạn là hơn 52,500 tỷ đồng.
Theo ước tính của VNDirect, trong tháng 8 này sẽ có khoảng hơn 27,900 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, cao hơn khoảng 31% so với tháng 7 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 26/7)...
Về vấn đề đàm phán hoãn nợ trái phiếu, trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường TPDN vừa công bố, SSI Research nhấn mạnh, Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên đến 2 năm, hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Tuy nhiên, các quy định có thể cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt từ phía nhà phát hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận