menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Việt Nữ

Bổ sung kinh tế chưa quan sát được vào GDP sẽ tạo dư địa tài khoá và tài chính cho điều tiết vĩ mô

Trong những ngày cuối tháng 8, Tổng cục Thống kê (GSO) Việt Nam công bố kết quả tính toán lại quy mô GDP. Theo đó, tổng quy mô nền kinh tế giai đoạn 2011-2017 đã tăng thêm 25,4% năm và đạt trên 300 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, bản phân tích chiến lược đầu tư tháng 9/2019 của CTCK Rồng Việt (VDSC) có lưu ý con số này chưa bao gồm khu vực kinh tế chưa quan sát được. Trong khi đó, việc tính bổ sung khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP có thể tạo dư địa tài khoá và tài chính cho việc điều tiết kinh tế vĩ mô.

Phân tích này của VDSC dựa vào khuôn khổ phân loại của IMF, bài học đánh giá nền kinh tế chưa quan sát được tại châu Âu. Theo IMF, khu vực kinh tế chưa quan sát được bao gồm 4 phân loại chính: Kinh tế ngầm, các nhà sản xuất ngoài báo cáo lẽ ra cần đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký, Doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa được thống kê, Khu vực không được thống kê do thiếu số liệu đáng tin cậy và Khu vực bất hợp pháp.

Tại châu Âu, kể từ tháng 9/2014, hệ thống tiêu chuẩn kế toán tại châu Âu về tính toán GDP cho phép các quốc gia bổ sung các hoạt động kinh tế chưa quan sát được vào tính toán GDP, kể cả các hoạt động bất hợp pháp. Theo đó, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp nên được xem xét như các giao dịch như mại dâm, mua/bán thuốc hoặc đồ trộm cắp bất hợp pháp. Do đó, các giao dịch trên cần được tính bổ sung vào GDP.

Tuy nhiên, mức độ áp dụng của từng nước là khác nhau tùy thuộc chính sách riêng của từng nước. Ví dụ, tại các quốc gia cho phép ngành mại dâm hoạt động hợp pháp, doanh thu từ khu vực kinh tế này sẽ được ghi nhận như Đức, Hungary, Áo và Hy Lạp. Hiện tại, phương pháp và kết quả giữa các nhà kinh tế và tổ chức độc lập khá khác nhau.

Ở đây, dựa trên báo cáo từ IMF, tính toán bởi hai nhà kinh tế học Leandro Medina và Friedrich Schneider, VDSC ước quy mô khu vực kinh tế chưa quan sát được tại Việt Nam dao động trong khoảng 14,8-21,8% GDP trong giai đoạn 1991-2015.

Đáng chú ý, so với các nước trong khu vực, con số này chỉ cao hơn Trung Quốc và cách khá xa so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Trong trường hợp chính thức điều chỉnh quy mô GDP từ năm 2020, các chỉ số tài khoá/tài chính quan trọng như tỷ lệ nợ công, tỷ lệ thâm hụt ngân sách hay quy mô tín dụng so với GDP sẽ ngay lập tức thay đổi.

Điển hình, nếu tăng quy mô GDP thêm 25,4%, tỷ lệ nợ công sẽ giảm về dưới ngưỡng 50% GDP trong khi quy mô dự nợ tín dụng chỉ còn ở quanh mức 100% GDP. Ở mặt tích cực, điều này có thể tạo dư địa tài khoá và tài chính cho việc điều tiết kinh tế vĩ mô. Đặc biệt khi bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước trong 3 năm tới được dự báo sẽ có nhiều biến động.

Ở ngoài biên giới, kinh tế toàn cầu đang suy giảm và rủi ro suy thoái vẫn đang treo lơ lửng. Ở trong nước, 30% nợ gốc sẽ đáo hạn trong khi các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu như Đường cao tốc Bắc – Nam và Sân bay Long Thành sẽ lần lượt khởi công. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, mô hình hợp tác công – tư (PPP) được xem như chìa khoá mở cánh cửa vốn. Tuy nhiên, kết quả thống kê sơ bộ trong quá trình bỏ thầu 8/11 cấu phần dự án Cao tốc Bắc – Nam đang cho thấy sự áp đảo của doanh nghiệp Trung Quốc hoặc có dòng vốn Trung Quốc. Do đó, dư địa chính sách rộng hơn sẽ giải toả sức ép phụ thuộc vào vốn vào một số quốc gia nhất định.

Ở mặt tiêu cực, câu chuyện hiệu quả và lòng tin lại được đặt lên bàn thảo luận. Những lo ngại về mức độ hiệu quả của việc đầu tư công nếu nợ công được điều chỉnh giảm là có cơ sở sau hàng loạt bài học như 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đội vốn đường sắt đô thị… Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cần sớm công bố nội dung chi tiết báo cáo tính toán lại quy mô GDP do sự chênh lệch về kết quả tính toán lại quy mô GDP theo các cách tính khác nhau.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới khu vực doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công An và Bộ Quốc phòng được bổ sung vào. Các số liệu thực tiễn cho thấy mặc dù số lượng doanh nghiệp này không nhiều nhưng đều chiếm các vị trí quan trọng trong nhiều ngành nghề kinh doanh. Doanh thu trong năm 2018 chiếm tới 5% GDP” VDSC cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả