24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ GTVT ủng hộ và góp ý về Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air

Dự án Vinpearl Air được cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đánh giá là không trái với quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ GTVT ủng hộ và góp ý về Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air

Hôm nay, Bộ GTVT đã có công văn số 9424/BGTVT – VT gửi Sở Kế hoạch và đầu tư Tp. Hà Nội góp ý đối với hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air (Dự án Vinpearl Air) của Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air (Công ty Vinpearl Air).

Vinpearl Air sẽ khai thác tối đa 30 tàu vào năm 2025

Trên cơ sở hồ sơ Dự án của Công ty Vinpearl Air, Bộ GTVT khăng định Dự án này đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ mà nổi bật là việc đội tàu bay năm đầu tiên khai thác 6 chiếc (dự kiến khai thác từ tháng 7/2020) và đến năm 2025 đội tàu bay đạt 30 chiếc, giảm 6 chiếc so với đề xuất ban đầu của hãng.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 92/2016/NĐ – C quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục HKVN quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 Công ty Vinpearl Air nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát của Cục HKVN, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ hàng không và đảm bảo vai trò “lực lượng vận tải hàng không nòng cốt” của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines theo Quyết định 236/QĐ-TTg”, công văn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

Do Dự án Vinpearl Air của Công ty Vinpearl với quy mô Dự án đội tàu bay 6 tàu bay vào năm 2020 và 36 tàu bay vào năm 2025, tổng mức đầu tư Dự án 4.700 tỷ đồng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội chỉ đạo Công ty Vinpearl Air hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Đa dạng hóa mạng đường bay

Được biết, Dự án Vinpearl Air dự kiến khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế cho đến năm 2025.

Đối với mạng đường bay nội địa, từ Cảng HKQT Nội Bài, Vinpearl Air sẽ khai thác đi/đến 15 cảng hàng không (CHK); từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khai thác đi/đến 13 CHK; từ Cảng HKQT Đà Nẵng khai thác đi/đến 8 CHK; từ CHKQT Vân Đồn: khai thác đi/đến 3 CHK; từ CHK Phù Cát khai thác đi/đến 7 CHK; từ Cảng HKQT Ram Ranh khai thác đi/đến 6 CHK; từ CHKQT Cát Bi khai thác đi/đến 5 CHK; từ Cảng HKQT Cần Thơ: khai thác đi/đến 5 CHK.

Trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020), tổng số chuyến bay khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài của Vinpearl Air là 49 chuyến/tuần (chiếm 33,3% tổng số chuyến khai thác), tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 21 chuyến/tuần (chiếm 14,3% tổng số chuyến khai thác). Đến năm 2025, tổng số chuyến bay khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài 217 chuyến/tuần (chiếm 30,3% tổng số chuyến khai thác), tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 112 chuyến/tuần (chiếm 19,7% tổng số chuyến khai thác).

Đối với mạng đường bay quốc tế, từ Cảng HKQT Nội Bài, Vinpearl Air khai thác đi/đến 33 điểm; từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khai thác đi/đến 23 điểm; từ Cảng HKQT Đà Nẵng khai thác đi/đến 13 điểm; từ Cảng HKQT Vân Đồn khai thác đi/đến 08 điểm; từ CHK Phù Cát khai thác đi/đến 3 điểm; từ Cảng HKQT Phú Quốc khai thác đi/đến 06 điểm; từ Cảng HKQT Ram Ranh khai thác đi/đến 3 điểm; từ Cảng HKQT Cần Thơ khai thác đi/đến 01 điểm và từ CHK Liên Khương khai thác đi/đến 1 điểm.

Trong năm đầu khai thác, Dự án không lập kế hoạch khai thác đường bay quốc tế. Đến năm thứ 2 (năm 2021), tổng số đường bay quốc tế của Công ty Vinpearl Air là 32 chuyến/tuần, trong đó tại Cảng HKQT Nội Bài là 17 chuyến/tuần, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 5 chuyến/tuần. Năm 2025, tổng chuyến bay khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài là 76 chuyến/tuần, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 28 chuyến/tuần.

Với kế hoạch mạng đường bay như trên của Vinpear Air, theo Bộ GTVT là không trái với định hướng tại các Quyết định số 236/QĐ-TTg, Quyết định số 2119/QĐ-TTg và Quyết định số 105/QĐ-TTg của Chính phủ, theo đó mạng đường bay nội địa có kết nối liên vùng, kết nối các cảng hàng không địa phương, các cảng hàng không thứ cấp và mạng đường bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính và thứ cấp đi/đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Singapore, Malaysia và một số quốc gia Châu Âu, Mỹ.

Theo Bộ GTVT, Dự án Vinpearl Air đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không cho giai đoạn trước mắt, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, do vậy đã hạn chế tối đa việc lập kế hoạch khai thác đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Được biết tại Dự án Vinpearl Air, Công ty sử dụng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (2020) tại Cảng HKQT Nội Bài (2 tàu bay) và tại các Cảng HKQT Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi cảng 1 tàu bay). Với kế hoạch này, Dự án Vinpearl Air phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020 (đến năm 2020, toàn bộ hệ thống cảng hàng không có 401 vị trí đỗ tàu bay đáp ứng được nhu cầu khai thác và đỗ qua đêm đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam).

Hiện tại, Dự án Vinpearl Air chưa có thông tin về kế hoạch đỗ đội tàu bay qua đêm các năm sau 2020, do vậy Công ty Vinpearl Air cần bổ sung kế hoạch đỗ tàu bay qua các năm và đến 2025. Bộ GTVT lưu ý Công ty Vinpearl Air về việc Cảng HKQT Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay, Slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 nên việc phải bố trí đội tàu bay đỗ qua đêm tại các CHK khác là điều cần tính đến.

Dự án Vinpearl Air đã đánh giá được nhu cầu sử dụng nguồn lao động của trong giai đoạn từ 2020 đến 2030 và có kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp với nhu cầu phát triển đội tàu bay của Công ty Vinpearl Air.

Dự án có xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, theo đó trong năm đầu tiên khai thác số lao động là 600 người (bao gồm: 60 phi công, 120 tiếp viên…) và đến năm 2024 số nhân sự là 2.250 người (bao gồm 346 phi công, 892 tiếp viên…). Để đạt được kế hoạch này, Công ty Vinpearl Air dự kiến sẽ thuê phi công nước ngoài từ các đối tác nước ngoài Công ty ALG, Flight Crew International, Rishworth trên nguyên tắc không tạo áp lực tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không. Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Vin Group đang triển khai hệ thống các trường đạo tạo nhân lực hàng không như Vin Aviation School, Vinpearl Air Aviation, Vin Uni sẽ giúp Dự án Vinpearl Air tăng tính khả thi do chủ động được nguồn nhân lực đặc thù của hàng không cũng như góp phần bổ sung nhân lực cho toàn ngành hàng không.

Để đảm bảo năng lực bảo dưỡng, kỹ thuật tàu bay, Dự án Vinpearl Air có xây dựng lộ trình và danh mục các công việc sẽ thực hiện đối với việc bảo dưỡng tàu bay. Trong đó, giai đoạn 2020-2022, sẽ tự thực hiện các bảo dưỡng dạng nhỏ định kỳ, bảo dưỡng ngoại trường và thuê dịch vụ bảo dưỡng tàu bay của các Công ty bảo dưỡng được Cục HKVN cấp chứng chỉ, công nhận đối với các dạng bảo dưỡng lớn. Giai đoạn 2023 trở đi, Công ty Vinpearl Air sẽ đầu tư xây dựng cơ sở bảo dưỡng nội trường (Hangar) để thực hiện các dạng bảo dưỡng đến dạng C-Check.

6 nguyên tắc cấp phép hãng bay mới

Bộ GTVT ủng hộ và góp ý về Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air

Bộ GTVT khẳng định việc hình thành và phát triển lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, cụ thể là việc thành lập mới các hãng hàng không phải bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định.

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn về hạ tầng cảng hàng không nhưng thị trường hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2014-2018 đạt 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Với dự báo và tiềm năng phát triển của thị trường hàng không, việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới.

Bộ GTVT khẳng định ủng hộ về chủ trương việc thành lập các hãng hàng không mới trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với hệ thống quy hoạch Ngành và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng với sự phát triển của thị trường và nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, việc thành lập mới các hãng hàng không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhằm tăng tính cạnh tranh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng không, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm dịch vụ cho cộng đồng xã hội.

Mặc dù vậy, theo Bộ GTVT, việc hình thành và phát triển lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, cụ thể là việc thành lập mới các hãng hàng không phải bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định; hạn chế, loại bỏ hiện tượng phát triển, tăng trưởng quá nhanh nhưng không bền vững; tăng cường, củng cố vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với các thể chế chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với quá trình phát triển; chủ đầu tư phải có tiềm lực kinh tế mạnh, có năng lực quản trị, vận hành, khai thác hãng hàng không.

Bên cạnh đó, việc thành lập mới hãng hàng không phải góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống; việc thành lập mới hãng hàng không phải bảo đảm yêu cầu có sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh; đảm bảo theo đúng định hướng và vận hành của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở Việt Nam;

Đặc biệt, Đề án thành lập hãng hàng không mới phải có tinh khả thi, đảm bảo các nội dung được thực hiện theo đúng các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc nhất quán, tránh hiện tượng thay đổi nội dung Đề án sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả