Bộ Công Thương: Sẽ sớm có khung giá cho dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng khung giá cho dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp không kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa cho biết Bộ đang gấp rút xây dựng khung giá cho dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp không kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi. Quá trình triển khai vừa đảm bảo tính kịp thời, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nhưng cũng phải đúng theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nguồn điện (trong đó có dự án điện gió, điện mặt trời) trên cơ sở Luật đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật Xây dựng.
Liên quan đến cơ chế giá FIT cho dự án năng lượng tái tạo, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời và Quyết định số 37/2011 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện gió. Sau này, Quyết định 39/2018 đã thay thế, sửa đổi Quyết định 37.
Cơ chế giá bán điện cố định FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, trong đó có điện mặt trời và điện gió. Do đó, việc kéo dài cơ chế giá bán điện cố định FIT đối với dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới là không còn phù hợp.
Đến nay, giá FIT theo các Quyết định này đã không còn áp dụng cho dự án điện mặt trời vào vận hành sau ngày 31/12/2020 và dự án điện gió vào vận hành sau ngày 31/10/2021.
Ngay sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực, từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng. Trong đó, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 1513/2022 về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Theo tờ trình, đối tượng tham gia đấu thầu là dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian 31/12/2020 và 31/10/2021.
Phương pháp xây dựng khung giá phục vụ cho việc đấu thầu được xây dựng tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2014 của Bộ trưởng Công Thương hướng dẫn phương pháp, trình tự và ban hành khung giá phát điện, có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng áp dụng là nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió.
Khung giá được Bộ Công Thương ban hành áp dụng cho dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp chào công suất sẽ được sử dụng làm khung giá đấu thầu cho dự án.
Về nguyên tắc chính trong tổ chức đấu thầu với nội dung đấu thầu mua điện từ dự án điện mặt trời, gió chuyển tiếp dựa trên công suất lắp đặt (MW) của nhà máy điện. Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận