24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công Thương nói gì về áp thuế thép không gỉ 37% tạo độc quyền cho Posco

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ việc áp thuế tự vệ tạo ra độc quyền inox cán nguội...

Hiện mức thuế thép không gỉ cán nguội đối với các nhà sản xuất từ Trung Quốc vẫn là 25,35%; riêng nhà sản xuất Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. (STSS) được áp thuế suất 17,47%. Đối với các nhà sản xuất từ Indonesia mức thuế suất giữ nguyên 13,03%; Malaysia là 9,31%; Đài Loan chịu chung thuế suất 13,79%; riêng Yuan Long Stainless Steel Corp chịu thuế suất 37,29%.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc làm rõ về thông tin thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng với nguyên nhân là do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép cán nguội không gỉ từ năm 2014.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi lên Chính phủ giải thích rõ vấn đề này.

Về việc áp thuế, năm 2013 Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước với thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Bộ Công Thương đã tiến hành thẩm định hồ sơ, điều tra và thẩm tra tại chỗ đối với các thông tin và cho thấy có hành vi bán phá giá gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

"Kết luận điều tra bản công khai đã được Bộ Công Thương gửi đến tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch", văn bản nêu.

Poscow chỉ chiếm 50% thị phần

Về thông tin áp thuế chống bán phá giá tạo ra độc quyền, Bộ Công Thương cho biết theo Hiệp hội thép Việt Nam hiện nay có 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội dạng cuộn/tấm, trong đó chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ như để sản xuất ống thép, bình đựng nước,...mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST là 207.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng của ngành.

Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (200.000 tấn/năm) hay như Việt Quang…

Về tình hình nhập khẩu kể từ khi áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương thống kê có sự tăng mạnh từ năm 2013. Vào tháng 5/2016, khi rà soát mức thuế chống bán phá giá tăng lên, lượng nhập khẩu giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước khi áp thuế chống bán phá giá. Như vậy, tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp chống bán phá giá vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Cụ thể, từ 1/7/2017 tới 30/6/2018, nhập khẩu thép không gỉ vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước, sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 42,8% tiêu thụ.

"Sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chỉ chiếm 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào độc quyền về nhóm sản phẩm này", Bộ Công Thương khẳng định.

Riêng với sản phẩm thép không gỉ khổ rộng, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu chiếm tỷ lệ 25% tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018. Về giá, sau khi áp thuế, giá giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã thu hẹp lại. Giá bán Posco luôn cao hơn so với giá của các nhà sản xuất khác do ở phân khúc chất lượng cao.

"Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Thị trường thép không gỉ trước đây chỉ có Posco và một số công ty nhỏ khác nay đã có sự tham gia của doanh nghiệp trong nước. Sự phục hồi của ngành thép không gỉ đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành, cạnh tranh lành mạnh", Bộ Công Thương giải thích.

Trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp, Bộ Công Thương đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều nước trên thế giới cũng đá áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ từ các nước này.

Riêng về Posco, Bộ Công Thương cho biết thị phần của công ty này không biến động quá lớn kể từ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Trong khi đó, thị phần của các nhà sản xuất trong nước khác lại có xu hướng tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, hàng hoá nhập khẩu sau khi giảm dần từ giai đoạn 2014 - 2015 đến giai đoạn 2016 - 2017 đã tăng lên trong giai đoạn 2017 - 2018.

"Như vậy, không có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Bộ Công Thương làm tăng vị thế của Posco trên thị trường thép không gỉ cán nguội", Bộ này cho hay.

Doanh nghiệp kêu trời vì thuế tự vệ tăng chi phí nguyên liệu sản xuất

Thuế tự vệ thương mại cũng giống như một con dao hai lưỡi, ở trường hợp inox cán nguội, một lưỡi là để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước, còn lưỡi còn lại gây sát thương cho doanh nghiệp nội.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho biết, ngay sau khi áp thuế tự vệ, giá inox nguyên liệu đầu vào đã tăng 20%. Và khoản tăng này được cộng ngay vào giá thành sản phẩm khiến cho sản phẩm làm ra không để cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại từ Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan khi các hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực thuế sản phẩm sẽ về 0%.

"Trong nước, Posco VST là doanh nghiệp áp đảo thị phần inox cán nguội cung cấp cho các ngành sản xuất, chúng tôi buộc phải nhập từ họ sau khi hàng rào thuế được dựng lên. Có một thực tế là chúng ta đang đánh thuế rất mạnh vào nguyên liệu sản xuất nhưng lại mở toang cửa cho sản phẩm nước ngoài khi các FTA có hiệu lực và thuế về 0%. Chúng tôi đã phải đóng cửa toàn bộ việc sản xuất các chậu rửa inox vì chi phí nguyên liệu đã chiếm hơn 80% giá thành", vị lãnh đạo cho hay.

Trong một văn bản gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại và Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây, Tập đoàn Sunhouse đã cho biết mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn và thường mua qua các công ty thương mại trong nước như Posco, Bông sen vàng, Hoàng Anh…

"Từ khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, các mặt hàng inox cuộn bị tăng giá khoảng 15-25% dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng. Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2018, thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc - đất nước có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng gia dụng và giá thành sản xuất rẻ thì chỉ có 0%.

Việc này dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, vô hình chung giết chết các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động", công ty này nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả