Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 4-5% bất chấp dịch Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến 15/2/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu trong gần 2 tháng qua cũng tăng khoảng 25%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây tác động cả trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu khoảng 4-5% trong năm nay.
Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về các giải pháp trọng tam nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử thì chúng ta cũng chứng kiến mức tăng trưởng rất cao, nó phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch bệnh nguy hiểm này việc tiêu dùng các sản phẩm đó vẫn rất lớn. Hiện nay, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do những cách hạn chế sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao.
Còn đối với nhóm hàng nông sản thì chúng ta cũng thấy mặc dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua (tính đến 15/2) thì xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được tăng trưởng tốt, với khoảng 5%.
Còn những nhóm hàng bị ảnh hưởng trong năm 2020 thì chúng ta cũng thấy rõ là nhóm hàng dệt may, da giày. Đây là hai nhóm hàng có thể nói là nhu cầu tiêu dùng đã giảm xuống trong bối cảnh người dân phải thắt chặt chi tiêu và do đó đã có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của hai nhóm hàng này của Việt Nam trong năm qua.
Trong năm 2020, nhất là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát chúng ta thấy có những đặc điểm tác động đến xuất nhập khẩu, trước hết đó là việc thiếu hụt về nguồn cung. Vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, khi chúng ta khôi phục và thích ứng được về nguồn cung thì khó khăn tiếp theo là về thị trường, tức là cầu.
Đến cuối năm 2020 các vấn đề đó chúng ta đều vượt qua được thì thời điểm hiện nay, khó khăn lại nằm ở khâu giữa - logistics là khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể là những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.
Còn ngay ở trong nước, chúng ta cũng thấy là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông và do vậy thì các hàng hóa để đưa ra cảng đi xuất khẩu cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Tình trạng này cũng đã được các cơ quan bộ, ngành của Việt Nam nhận thấy và Bộ Giao thông vận tải - đơn vị chủ quản cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương có những buổi làm việc với các hãng tàu, Hiệp hội chủ hàng và các doanh nghiệp dịch vụ logistics để tìm hiểu và đưa ra các giải pháp.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ chủ trì thành lập đoàn kiểm tra (trong thành phần có cả đại diện của Bộ Công thương) để đi làm việc với các hãng tàu. Một mặt là để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 146/CP về việc công khai công bố các chi phí liên quan đến các cước phí.
Mặt khác nhằm tìm ra các giải pháp cùng với các hãng tàu có thể gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa các khoản thu mà hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh là tăng cao quá mức hợp lý. Hiện nay Bộ GTVT đã có quyết định thành lập rồi nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát cho nên cũng chưa triển khai ngay được, hi vọng là trong tháng 3 thì đoàn sẽ đi làm việc được.
Dịch Covid-19 cũng là yếu tố mà trước đây các quốc gia hầu như chưa tính toán đến, thì bây giờ tất cả các kịch bản phát triển chúng ta cũng đều phải đưa ra những yếu tố tương tự như vậy - tức là những vấn đề có thể không lường trước được ngay - như thiên tai, dịch bệnh hoặc những xung đột thì đều có thể tiềm ẩn những bất ổn.
Đồng thời, việc Việt Nam hiện nay đã tham gia và có độ mở rất lớn trong quá trình hội nhập, chính vì vậy sự tương tác và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất nhập khẩu cũng sẽ có sự phụ thuộc lớn hơn từ các thị trường thế giới. Thì khi cân nhắc những yếu tố như vậy thì Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu phát triển xuất khẩu trong thời gian tới ở mức 4-5% và cũng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì đây cũng là yếu tố, chỉ tiêu hợp lý để chúng ta phấn đấu hoàn thành được trong thời gian tới.
Và chúng ta cũng đã chứng kiến khi mà EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 thì ngay lập tức các số lượng các CO mẫu EUR.1 một là Form mẫu xuất khẩu đi EU đã tăng rất mạnh. Điều này đã thể hiện các doanh nghiệp của chúng ta đã nắm bắt được và khai thác được ngay lập tức các lợi thế từ Hiệp định này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến tác động của Covid-19 lên khu vực thị trường châu Âu. Đến hết năm 2020 và cho tới thời điểm này thì xuất khẩu sang EU của Việt Nam cũng vẫn có được mức tăng trưởng tốt, không chỉ trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt như đối với đồ gỗ cũng có sự gia tăng rất mạnh. Điều này là một tín hiệu mừng.
Trong thời gian tới, các Hiệp định này được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện hơn và các yếu tố về dịch bệnh hy vọng sẽ sớm được đẩy lùi, chúng ta cũng sẽ thấy tác động tích cực tới hoạt động sản xuất của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Với chức năng quản lý nhà nước, một mặt Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện được pháp luật về phòng vệ thương mại như luật quản lý ngoại thương và các văn bản liên quan. Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là Bộ Công Thương đã có hướng dẫn, trao đổi với các hiệp hội và các doanh nghiệp để có thể chủ động ứng phó được với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Mặt khác chúng ta cũng có thể vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả các biện pháp mà pháp luật cũng như cam kết quốc tế cho phép để bảo vệ nhà sản xuất cũng như người nông dân ở trong nước, qua đó giúp cho các ngành kinh tế của chúng ta có thể phát triển cũng như nâng cao sức cạnh tranh. Và đây cũng là nhiệm vụ trong tâm mà Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Tuy dịch bệnh không hề thuyên giảm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhanh chóng chuyển đổi, từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường và khắc phục được các khó khăn đứt gãy của chuỗi cung ứng. Qua đó đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu với kim ngạch xuất siêu hơn 19 tỷ USD năm 2020.
Đây là một điểm ghi nhận về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Và có thể nói, dịch Covid-19 ở một góc độ nào đó cũng đã làm cho các doanh nghiệp của chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và thích ứng nhanh hơn. Cộng với những tác động của quá trình chuyển đổi số đã làm cho các doanh nghiệp phải thích ứng với một môi trường kinh doanh năng động, cũng như đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới hơn.
Năm 2021, chúng ta thấy rằng yếu tố dịch bệnh - kể cả trong thời gian tới khi mà dịch bệnh thuyên giảm - thì tác động của dịch Covid-19 cũng vẫn sẽ còn lâu dài - ít nhất trong một vài năm nữa mới trở lại bình thường được. Do vậy, các doanh nghiệp của chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này để không thể chủ quan. Và chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát huy tốt trong năm 2020, ví dụ như việc sử dụng các kênh tiếp thị ở trên môi trường số.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có trong tay các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường cơ bản, những thị trường lớn trên thế giới. Vấn đề bây giờ là doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải tổ chức sắp xếp lại để tìm hiểu cho kỹ và vận dụng tốt hơn các lợi thế từ các Hiệp định này. Một số vấn đề lâu dài nữa mà chúng ta vẫn phải duy trì thực hiện thường xuyên, đó là về quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các yếu tố về cắt giảm thủ tục hành chính... để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận