“Bít” van trái phiếu doanh nghiệp: Quả bóng vốn sẽ phát nổ
Tín dụng siết chặt, niêm yết trên thị trường chứng khoán không dễ dàng, nếu kênh phát hành trái phiếu bị co lại, doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh khó khăn tìm vốn. Chính vậy, không nên vội vã siết cả trái phiếu doanh nghiệp.
Thắt tín dụng, siết cả trái phiếu là dồn ép doanh nghiệp
Đã có những lo lắng trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, dẫn tới việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể bị siết chặt thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về lo ngại này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế phân tích: “Cần phải có “van” để xì bớt căng thẳng vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Siết tín dụng thì phải “nở” kênh trái phiếu, cổ phiếu. Nếu chỉ vì trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh hơn các năm trước mà lo lắng tìm cách phanh lại thì sẽ rất nguy hiểm.
Phải hiểu rằng, thị trường trái phiếu, cổ phiếu là kênh chính cung cấp vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, chứ không phải ngân hàng. Ở nước ta, doanh nghiệp muốn niêm yết lên sàn chứng khoán khá khó khăn, trong khi tín dụng bị siết chặt, nếu siết nốt kênh trái phiếu, thì quả bóng vốn sẽ bị nổ tung”, ông Nghĩa nói.
Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 90.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đang dẫn đầu về lãi suất, với mức 10 - 14,5%/năm.
Liên quan đến lo ngại về việc trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản tăng nóng, lãi suất cao bất thường, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này là không đúng. Trên thực tế, khi vay vốn qua ngân hàng, các doanh nghiệp bất động đã phải trả mức lãi tương đương.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp bất động sản, hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn dài của nhiều ngân hàng đã ở mức 8 - 9%/năm. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao hơn, nên lãi suất 10 - 12%, thậm chí có doanh nghiệp phát hành đến 14,5%, là bình thường.
Mặt khác, dù tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt trong năm nay, song xét về giá trị thì vẫn còn khiêm tốn (chiếm khoảng 10,5% GDP). Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tỷ lệ này vẫn thấp so với mức bình quân của các nước trong khu vực (22%).
Trong bối cảnh thị trường vận hành bình thường, theo các chuyên gia, không có lý do gì để siết chặt, mà thậm chí, cần tiếp tục đẩy mạnh thị trường này phát triển mạnh hơn nữa.
“Phải mất nhiều thời gian thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới tăng trưởng được một chút, đừng vì quá lo lắng mà vội vàng siết chặt. Ngược lại, cần khuyến khích kênh này phát triển để giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Khó giám sát dòng tiền
Trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ từ đầu năm đến nay một phần do điều kiện phát hành đã dễ thở hơn trước, một phần do các bên tham gia đều có lợi. Doanh nghiệp huy động được vốn với lãi suất hợp lý, không cần tài sản thế chấp và thủ tục lằng nhằng. Nhà đầu tư được hưởng lãi suất hời. Nhà băng và công ty chứng khoán (đơn vị tư vấn, phát hành) đứng giữa cũng được hưởng lợi nhờ tiền phí hoặc chênh lệch lãi suất.
Bản chất phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là vay tín chấp. Lãi vay tín chấp mà chỉ 10 - 15%/năm là quá rẻ. Với nhà đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp là đầu tư, chứ không phải gửi tiết kiệm, mà đầu tư thì phải xác định là luôn có rủi ro.
- Luật sư Trương Thanh Đức, Chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO
Theo dõi động thái phát hành của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, rủi ro là không lớn, do các doanh nghiệp phát hành hầu hết đều là doanh nghiệp lớn. Tuy vậy, ông Nghĩa cũng thừa nhận, rất khó giám sát dòng tiền huy động qua kênh này có được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích hay không. Đây là rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư.
Thông thường, nếu cấp tín dụng, ngân hàng có thể dễ dàng giám sát dòng tiền vì giải ngân theo hợp đồng, theo tiến độ dự án. Song với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể nào biết được doanh nghiệp có sử dụng tiền để triển khai dự án như đã thông báo hay không.
Chính vì vậy, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như báo cáo tài chính có minh bạch không, tính pháp lý của dự án có đảm bảo không, đã có quỹ đất sạch chưa, định giá có hợp lý hay không…
Hiện nay, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường được bán theo phương thức phát hành riêng lẻ (93 - 95%), chỉ có khoảng 3 - 5% là phát hành đại chúng. Ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm… là những trái chủ lớn. Những trái chủ này thường có bộ phận phân tích về tài chính doanh nghiệp rất kỹ, nên mức độ rủi ro là không lớn.
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bền vững hơn nếu mở rộng phát hành cho đại chúng, chứ không chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, ngân hàng.
Tuy vậy, để làm được điều này, cần phải yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mức độ minh bạch. Ngoài ra, cần phát triển xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp được xếp loại AA- trở lên mới được cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc xếp hạng tín nhiệm này là không bắt buộc. Sự tù mù thông tin có thể khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, còn các đơn vị bảo lãnh hay nhận cầm cố là ngân hàng cũng sẽ phải liên đới trách nhiệm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận