'Bịt mắt bắt dê' trên sàn chứng khoán HOSE
“Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống giao dịch của sàn TPHCM (HOSE)?” là câu hỏi của hầu hết các chủ thể trên thị trường chứng khoán hiện nay. Các nhà đầu tư nói họ đang “giao dịch mù” hay “giao dịch bịt mắt” từ một tuần nay vì không thể nhìn thấy khối lượng cũng như giá trị khớp lệnh của VN-Index trong phiên.
Đầu năm nay, khi HOSE đưa ra đề xuất tạm ngưng huỷ/sửa lệnh nhằm giảm bớt lệnh vào thị trường, giới đầu tư đã đồng loạt phản đối. Tưởng đề xuất bị “rơi vào quên lãng” nhưng không phải. Tuần trước HOSE đã khuyến nghị một cách không chính thức các công ty chứng khoán thực hiện việc này. Ban đầu chỉ một vài công ty chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư giảm bớt huỷ/sửa lệnh. Sau 1-2 ngày, đa số các công ty chứng khoán tạm ngưng việc huỷ/sửa lệnh. Thế là sự “mất trật tự” bắt đầu diễn ra.Trên bảng điện tử khối lượng cổ phiếu đặt mua/bán, giá đặt mua/bán lúc thì nhảy loạn xạ, lúc thì đứng ì. Trong mục giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, thỉnh thoảng lại thấy hiện ra giá trị mua/bán của ngày hôm trước.
Việc đặt lệnh còn tệ hại hơn. Nhà đầu tư đặt lệnh, đầu tiên công ty chứng khoán thông báo tình trạng lệnh là “tiếp nhận”, mấy phút sau thì hiện tiếp “xác nhận tiếp lệnh”. Ở một số công ty chứng khoán, thời gian từ khi “tiếp nhận” đến khi nhà đầu tư được thông báo lệnh đã khớp mất 10-15 phút/lệnh. Họ thuộc số may mắn vì nhiều nhà đầu tư khác không biết liệu lệnh có vào sàn HOSE và nếu vào thì chỉ biết lệnh có khớp hay không vào cuối ngày.
Vì không thể hủy hoặc sửa lệnh, và không nhìn thấy dữ liệu theo thời gian thật trên bảng điện tử HOSE, các nhà đầu tư buộc phải chọn lệnh MP (lệnh thị trường, giao dịch bằng được, khớp với bất cứ giá nào cho đến khi khớp hết khối lượng đặt mua/bán). Trước đây lệnh thị trường MP vào là khớp luôn, nay ngay cả lệnh MP cũng phải đợi như lệnh thường. Lệnh MP bị dồn cục gây hậu quả khôn lường!
Khi thị trường tăng, lệnh MP đẩy giá cổ phiếu chạy lên ồ ạt vì khớp không cần biết mức giá, VN-Index nhảy vọt. Khi thị trường giảm, cũng lệnh MP khiến VN-Index tụt dốc. Nhiều nhà đầu tư buộc phải mua giá cao nếu muốn mua và buộc phải bán giá thấp nếu muốn bán. Tất cả những điều này là nằm ngoài mong muốn.
Không ít nhà đầu tư dở khóc dở cười. Ngay đầu giờ họ đặt lệnh giao dịch có giá và khối lượng, nhưng do không được huỷ/sửa lệnh, và lệnh trong tình trạng chờ, không khớp, đến khi thị trường thay đổi, họ chuyển sang đặt lệnh MP thì lượng cổ phiếu có sẵn để bán hoặc tiền có sẵn để mua đã bị kẹt trong lệnh đặt rồi. Có cổ phiếu không bán được, có tiền không mua được là thế.
Việc không thể hủy/sửa lệnh xét về góc độ thị trường là phi thị trường vì gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên giải pháp này được các công ty chứng khoán chấp thuận vì lệnh MP đẩy giá trị giao dịch lên cao cả khi thị trường lên lẫn xuống. Giá trị giao dịch càng nhiều, công ty chứng khoán càng thu được nhiều phí môi giới, HOSE cũng được hưởng lợi vì đơn vị này thu 0,03% tổng phí môi giới từ các công ty chứng khoán.
Doanh nghiệp công nghệ FPT (HM:FPT) bắt đầu tham gia xử lý nghẽn lệnh của sàn HOSE cùng với đội ngũ nhân lực của HOSE từ ngày 15-3 và dự kiến trong vòng ba tháng sẽ xong. Đến nay, thời gian ba tháng chỉ còn vài ngày. Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE, cam kết cuối tháng 6 hoặc chậm nhất đầu tháng 7 sẽ đưa vào vận hành hệ thống do FPT xây dựng và HOSE sẽ hết nghẽn lệnh. Từ nay đến đó, nhà đầu tư chỉ còn biết chờ và chờ.
Trong tháng 5 vừa qua, theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, gần 114.000 tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở, mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam, nâng số lượng tài khoản mở mới từ đầu năm lên 480.000, vượt xa con số tài khoản mở mới của cả năm ngoái. Tiền từ kênh tiết kiệm ngân hàng đã chuyển sang chứng khoán và xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền gửi của dân cư trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã vượt 5 triệu tỉ đồng. Chỉ cần 10% của số này chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, đã là giá trị vô cùng lớn. Đây là cơ hội có một không hai để thị trường chứng khoán huy động vốn, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn, củng cố năng lực tài chính, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Bỏ lỡ cơ hội này là bỏ lỡ việc huy động vốn trong dân cho đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nền kinh tế. Cơ quan quản lý có chịu trách nhiệm khi cơ hội này vuột qua? Cơ hội này đáng giá bao nhiêu? Đóng góp bao nhiêu cho sự tăng trưởng GDP thì chưa ai tính toán được? Nếu hệ thống sàn HOSE cứ "loay hoay" nghẽn lệnh, nay tạm ngưng hủy/sửa lệnh, mai dừng giao dịch 30-45 phút trong phiên, thì chẳng khác nào thách thức tâm lý nhà đầu tư. Thiệt hại của nhà đầu tư đã và đang trở thành thiệt hại cho thị trường vốn và cả nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận