Bịt kẽ hở gây khó nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu
Một trong những điểm nổi bật tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành là bắt buộc công khai hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC) trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Với quy định mới này, bên mời thầu sẽ “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận HSMT/HSYC.
Công khai HSMT với gói thầu không đấu thầu qua mạng
Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả (gọi tắt là Thông tư 11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2020, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (gọi tắt là Thông tư 07).
Theo quy định mới tại Thông tư 11, đối với lựa chọn nhà thầu, trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, bên mời thầu phải đính kèm các tài liệu: quyết định phê duyệt HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá; HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá được phê duyệt.
HSMT, HSYC được phát hành trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng. Đối với đấu thầu không qua mạng, trường hợp HSMT, HSYC được bán theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT, HSYC trước khi hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tiếp nhận.
Thời gian qua, tình trạng ngăn cản nhà thầu tiếp cận mua HSMT, HSYC đã trở nên phổ biến, gây bức xúc trong giới nhà thầu. Nhiều bên mời thầu sử dụng chiêu trò gây hạn chế cạnh tranh ngay từ khâu phát hành HSMT, HSYC, phổ biến là hiện tượng người bán HSMT, HSYC đi vắng, không liên lạc được; hết HSMT, HSYC; địa điểm phát hành HSMT, HSYC không rõ ràng…
Quy định mới tại Thông tư 11 nói trên được đánh giá là bước tiến vượt bậc trong việc công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ứng dụng đấu thầu qua mạng đã tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai tối đa thông tin về đấu thầu, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. HSMT/HSYC được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành HSMT/HSYC cho các nhà thầu như đã xảy ra trong thời gian qua, đồng thời nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Quy định cụ thể các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng
Thông tư 11 cũng quy định lộ trình mới trong đấu thầu qua mạng năm 2020, 2021 và giai đoạn 2022 - 2025. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lộ trình này được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tuân thủ theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 5464/VPCP-CN ngày 21/6/2019.
Cụ thể, năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Tương ứng, trong năm 2021, là các mức không quá 10 tỷ đồng và không quá 20 tỷ đồng; đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu và tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu.
Giai đoạn 2022 - 2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu mua sắm tập trung.
Thông tư 11 cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo thuận lợi cho các bên tham gia Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia.
Đặc biệt, so với quy định tại Thông tư 07, quy định mới tại Thông tư 11 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư trong việc bổ sung, đăng ký tên trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu trong suốt quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, thay vì phải hoàn thiện việc đăng ký trước thời hạn đóng thầu 2 ngày làm việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận