menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

Bình tĩnh lọc cơ hội

Phiên bán tháo đầu tuần trước, với việc VN-Index mất hơn 50 điểm đã khiến không ít nhà đầu tư hoảng loạn. Hai phiên hồi phục của chỉ số chính sau đó chưa đủ trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ góc nhìn của giới chuyên gia, những đợt giảm mạnh luôn là cơ hội để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý hơn.

Quan sát thêm để xác nhận hình thành đáy

Lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái, đặc biệt là việc Nhật Bản đảo chiều chính sách tiền tệ khiến đồng Yên tăng giá mạnh, tác động đến giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên thứ Hai tuần trước (5/8/2024). Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất hơn bốn thập kỷ qua, với việc các chỉ số chính mất 12%. Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản có mức giảm 17% trong phiên này, một số cổ phiếu còn giảm đến 20 - 25%. Cùng ngày, chỉ số chuẩn KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 8,77%, mức giảm lớn nhất được ghi nhận trong một phiên giao dịch và kích hoạt cơ chế “ngắt mạch” lần đầu tiên trong vòng hơn 4 năm. Những diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước - vốn đang ở trạng thái khá mong manh. Kết quả là chỉ số VN-Index đã mất hơn 50 điểm trong phiên này.

Ngoài ra, một số yếu tố khác tác động tới tâm lý đầu tư, đó là lo ngại căng thẳng chính trị Iran - Israel leo thang có thể gây ra những hệ lụy tới kinh tế thế giới và hiện tượng thị trường giảm sâu gia tăng áp lực và tốc độ call margin, force sell.

Nói thêm về giao dịch chênh lệch lãi suất - carry trade, đây là hoạt động mà các nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và tái đầu tư vào các loại tiền tệ khác có lãi suất cao. Nhật Bản từ lâu đã áp dụng mức lãi suất thấp nhất trên thế giới, vì vậy, nước này đã trở thành mục tiêu phổ biến của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (vay ở Nhật và đầu tư tại các quốc gia khác trên toàn thế giới). Đồng Yên đã tăng giá mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất chính sách ngắn hạn từ - 0,1%/năm lên 0,25%/năm. Đây là đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hơn 15 năm qua. Khi đồng Yên tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng tiền này chịu áp lực lớn.

Nếu nhà đầu tư sử dụng giao dịch chênh lệch giá để vay bằng Yên và mua cổ phiếu tại thị trường Mỹ thì sẽ gặp phải hai vấn đề. Đầu tiên, số cổ phiếu bạn mua đang bị bán tháo (và đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ). Thứ hai, đồng Yên Nhật tăng giá và chi phí vốn tăng lên. Nếu đóng vị thế, nhà đầu tư có thể thua lỗ. Còn để có tiền duy trì vị thế (không hiện thực hóa lỗ) thì phải bán bớt tài sản trên toàn cầu, chẳng hạn chứng khoán Mỹ. Chính điều này đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống và lây lan tâm lý trên toàn cầu.

Quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, cần nhìn nhận rõ rằng, hiện tượng thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể chỉ có tác động trước mắt về tâm lý, bởi các doanh nghiệp trong chỉ số Nikkei 225 có thiên hướng là các doanh nghiệp xuất khẩu (chịu áp lực khi đồng Yên tăng giá), trong khi cơ cấu của chỉ số VN-Index lại đến từ các ngành nội địa như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng - bán lẻ. Ngoài ra, VN-Index đã có một giai đoạn đi ngược thị trường thế giới và cũng đã có tuần điều chỉnh mạnh trước phiên đầu tuần qua.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace cho rằng, đợt giảm điểm này có ba yếu tố về cung - cầu rõ rệt. Về biến động giá, VN-Index đã trải qua ba lần công phá khu vực 1.300 điểm tại các thời điểm tháng 4, 6, 7 năm nay và cả ba lần này đều không thể vượt thành công. Hơn nữa, trong 3 tháng đó, thị trường có biến động co gọn rất rõ. Các đợt sóng của thị trường trong năm 2023 và đầu năm 2024 đều biến động mạnh mẽ, mỗi sóng biến động trên 18% cả chiều lên lẫn chiều xuống nhưng trong 3 tháng trên, khu vực đỉnh của thị trường chỉ biến động nhẹ trong vùng 1.250 - 1.300 điểm. Điều này khiến nhiều nhà đầu cơ thất vọng, vì nếu không có biến động lớn, nhà đầu cơ không thể kiếm lợi từ hoạt động giao dịch.

Về khối lượng giao dịch, con số trung bình đã suy giảm từ vùng 1 tỷ cổ phiếu trao tay mỗi ngày về vùng khoảng 650 triệu cổ phiếu trước khi đợt giảm mạnh bắt đầu. Hơn nữa, nếu quan sát kỹ, có thể thấy những ngày thanh khoản cao đều có giá đóng cửa ở mức thấp, điều này thể hiện phe cung đã lấn lướt phía cầu từ giữa tháng 3 tới nay.

Về yếu tố thị trường quốc tế, VN-Index đã bỏ lỡ hai lần hòa nhịp cùng các chỉ số lớn của thế giới vượt định lịch sử ở tháng 1 và tháng 7 năm nay. Điều này làm giới đầu cơ có cảm xúc thất vọng (so sánh với kỳ vọng biến động mạnh) khi họ đầu cơ vào thị trường ở cấp độ nhỏ hơn hẳn so với thế giới.

Ngoài các yếu tố trên, tháng 8 cũng được xem là vùng trũng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, dòng tiền trong nước sẽ thận trọng, thanh khoản bình quân toàn thị trường trong tháng 8 có thể dao động quanh ngưỡng 19.000 tỷ đồng/phiên, giảm 22% so với mức bình quân 7 tháng đầu năm. Đối với chỉ số VN-Index, việc để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm sẽ là điều kiện để kiểm tra dòng tiền bắt đáy. Bên cạnh đó, với tốc độ giảm nhanh và thanh khoản tăng vọt khi ngưỡng hỗ trợ bị xuyên thủng làm tăng khả năng thị trường giảm thêm để tìm vùng hỗ trợ đáng tin cậy hơn trong bối cảnh thông tin bất lợi như hiện nay.

“Hiện các chỉ báo kỹ thuật đã đi vào vùng quá bán, vùng đáy tháng 4 (1.170 điểm) sẽ là ngưỡng hỗ trợ để nhà đầu tư quan sát lựa chọn cổ phiếu cho danh mục. Đây cũng là kịch bản cơ sở cho thị trường trong tháng 8. Kịch bản thận trọng xảy ra khi mức đáy 1.170 điểm bị xuyên thủng. Khi đó, thị trường có khả năng xác nhận mô hình hai đỉnh (1.300 điểm) và mức thoái lui có thể ở vùng hỗ trợ 1.140 điểm”, ông Dũng nhìn nhận.

Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn, chỉ số VN-Index cũng đang có sự hồi phục trở lại quanh vùng hỗ trợ mạnh 1.190 - 1.200 điểm nhưng sẽ cần quan sát thêm để xác nhận vùng đáy đã hình thành hay chưa. Ngắn hạn, P/E trượt đang khoảng 13 lần, thấp hơn khoảng 24% so với P/E trung bình 5 năm (17,2 lần) và thấp hơn 21% so với P/E trung bình 10 năm (16,6 lần) - được cho là chiết khấu về vùng định giá hấp dẫn.

Trong thời điểm các thông tin tốt xấu đan xen, lạc quan là quá sớm nhưng cũng chưa tới mức bi quan, điều quan trọng với nhà đầu tư là quản trị tốt danh mục, quản lý cảm xúc, tránh tâm lý FOMO. Nhà đầu tư cần tìm kiếm các cổ phiếu để đưa vào tầm ngắm và lên kế hoạch giải ngân cho các cơ hội sắp tới. Bởi lịch sử cho thấy, sau mỗi lần sụt giảm mạnh thì thị trường luôn có những cơ hội tốt, mang lại tỷ suất cao.

Cơ hội để xây dựng danh mục đầu tư

Chủ tịch Finpeace Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các báo cáo vĩ mô và nhiều nhóm ngành quan trọng vẫn có số liệu tích cực. Với mục đích đầu tư, đợt giảm giá vừa qua nếu chỉ dựa vào yếu tố cung - cầu sẽ mở ra những cơ hội cho việc nắm giữ dài hạn. Đặc biệt, với các cổ phiếu tăng trưởng tốt khi cung - cầu có nhiều áp lực lại là lúc nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mức giá hợp lý.

“Năm nay, kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành tiếp tục khá và tốt trên nền tảng kinh tế vĩ mô cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm về các nhóm dầu khí, dệt may, công nghệ, ngân hàng… và tránh ngành có khả năng tiếp tục khó khăn như bất động sản”, ông Tuấn khuyến nghị.

Còn với mục đích đầu cơ, theo chuyên gia này, trong các đợt giảm giá mạnh, có hai việc cần chú ý: Thứ nhất, quản trị rủi ro các trạng thái đang nắm giữ. Nếu có những mã giảm quá ngưỡng chịu đựng ngắn hạn, nhà đầu cơ cần tuân thủ cắt lỗ và tỷ trọng danh mục; thứ hai, không “bắt dao rơi” với những cổ phiếu liên tục tìm đáy mới.

Theo công cụ theo dõi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) của CME, các trader đang chắc chắn 100% Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9, với 80% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản và 20% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản. Với kỳ vọng Fed giảm lãi suất kể từ tháng 9 này, ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD lớn có thể giảm được chi phí lãi vay và đóng góp vào lợi nhuận doanh nghiệp kể từ quý IV này. Một số doanh nghiệp có thể ghi nhận lãi vay giảm mạnh và kết quả kinh doanh hồi phục tốt như MSN, PC1. Bên cạnh đó, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho nhóm cổ phiếu vốn được khối ngoại ưa thích và đang chiếm tỷ trọng sở hữu lớn do lãi suất giảm sẽ giúp định giá cổ phiếu dưới góc nhìn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên như FPT, DGC, HDG, TCB.

Yếu tố thứ hai, ông Dũng lưu ý, kể từ tháng 7/2024, mức lương cơ bản đã được điều chỉnh tăng 30%. Năm ngoái, mức lương cơ bản đã tăng 21% nhưng điều này không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng tiêu dùng bán lẻ do khó khăn kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, năm nay, với các yếu tố hỗ trợ từ sản xuất và kinh tế phục hồi, tiêu dùng nội địa dự kiến sẽ cải thiện, các cổ phiếu có cơ hội tốt gồm VNM, MWG.

Ông Dũng cũng kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã hoặc sẽ thông qua vào nửa cuối năm. Một số chính sách hỗ trợ có thể kể đến như Nghị định về kinh doanh xăng dầu (kỳ vọng thông qua cuối năm 2024), Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 (trong đó đề xuất áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% cho mặt hàng phân bón), việc Bộ Công thương công bố điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ… Các cổ phiếu được hưởng lợi bao gồm PLX, DCM, HPG.

Từ góc nhìn của bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nửa cuối năm, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi. Do vậy, cổ phiếu lựa chọn cho nửa cuối năm là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, dệt may cũng là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.

Bà Lam cũng lưu ý, các rủi ro vẫn đang hiện hữu trên thị trường bao gồm: thông điệp và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Fed; căng thẳng địa chính trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Mặc dù đến cuối cùng, những cơn gió ngược rồi sẽ qua đi, thị trường chứng khoán thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số VN-Index biến động tiêu cực hơn mức định giá hợp lý của chỉ số.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,252.23

+28.67 (+2.34%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả