Bình Dương phấn đấu năm 2022 thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD
Năm 2022, Bình Dương tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, phấn đấu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD vào cuối năm.
Bình Dương là "hạt nhân phát triển" của vùng kinh tế phía Nam trong năm 2021
Năm 2021, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11 với nhiều thuận lợi và thách thức đang xen, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bình Dương đã đạt và vượt 21/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 2,62%, tình hình kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điểm sáng tích cực, đáng khích lệ.
Về kinh tế, GRDP ước tăng 2,62% (kế hoạch tăng 8,5 - 8,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 152,25 triệu đồng (kế hoạch 161,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67% (kế hoạch 65,1% - 23,73% - 3,17% - 8,0%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4% (năm 2020 tăng 12,3%, KH 2021 tăng 16%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ 500 triệu USD, tăng 13,5% (năm 2020 tăng 8,5%, KH tăng 12%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu USD, tăng 14,7%. Thặng dư thương mại của tỉnh năm 2021 đạt 6,8 USD.
Sản xuất công nghiệp, thương mại từng bước tăng trưởng trở lại, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại.
Đặc biệt, trong năm 2021, Bình Dương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng thời điểm cụ thể, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi sản xuất; tăng trưởng kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, tín dụng duy trì tăng trưởng so với 2020.
Cùng với đó, Bình Dương đã huy động hiệu quả nhiều tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trở lại làm việc sau dịch.
Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa bàn thực hiện "khóa chặt, đông cứng".
Kết quả các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh có bước cải thiện lớn về điểm số và thứ hạng; đề án thành phố thông minh Bình Dương, được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh vào TOP 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới.
Bình Dương luôn kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền trong hoạt động phòng chống, dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển hạ tầng kỹ thuật liên quan đến tỉnh.
Phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD
Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, dự báo tình hình thế giới và khu vực, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; góp phần hoàn thành mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tiếp tục rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông quan hàng hóa, nộp thuế cho doanh nghiệp. Phấn đấu cuối năm 2022 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD.
Thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với thực hiện Đề án thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo tỉnh.
Nâng cao trình độ và năng lực quản lý của đội ngũ công chức; tăng cường quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai hiệu quả nội dung cốt lõi của các Nghị quyết về hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ; vận hành hiệu quả Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành 3 vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị. Tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực với hình thức đa dạng, nhất là các dự án giao thông quan trọng.
Tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, thành phố thông minh, công nghệ thông tin.
Tập trung thực hiện hiệu quả, quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cải tạo Quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (dự án O&M) trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, phối hợp nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận