Bình Dương: Doanh nghiệp cần 50.000 lao động để trở lại hoạt động sản xuất
Trước làn sóng người dân ồ ạt về quê sau ngày các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động khi trở lại hoạt động sản xuất. Trong đó, tỉnh Bình Dương đang cần 50.000 công nhân, lao động.
Doanh nghiệp sụt giảm 90% đơn hàng vì dịch Covid-19
Sau khi Bình Dương tuyên bố trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho việc khôi phục hoạt động sản xuất sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid-19.
Mặc dù đóng cửa, cho công nhân tạm nghỉ việc nhưng các doanh nghiệp vẫn trả phụ cấp bằng 50% tháng lương cơ bản để giữ chân người lao động. Nhưng do thời gian giãn cách kéo dài, chí phí sinh hoạt hàng tháng cao gấp nhiều lần tiền lương phụ cấp, nên nhiều lao động bỏ về quê.
Ông Nguyễn Kim Phi – Chủ tịch công đoàn kiêm Trưởng phòng Sản xuất công ty TNHH SV Probe Việt Nam (KCN VSIP 1, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện tại công ty vẫn đang hoạt động song song theo phương án "3 tại chỗ" và "2 điểm đến 1 cung đường".
Hàng vạn lao động về quê sau ngày 1/10 khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động. Ảnh: Văn Dũng.
Theo ông Phi, chế độ đãi ngộ của công ty tốt nên công ty ông hy vọng số đông công nhân đã về quê vẫn sẽ quay trở lại làm việc khi tỉnh Bình Dương cho phép người ngoài tỉnh được vào địa bàn.
Thực tế hiện nay, do vẫn phải thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" nên số lượng công nhân được vào công ty làm rất ít (chiếm 30%) nên sản lượng đơn hàng sản xuất ra chỉ đạt 50% so với bình thường.
Khi tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10, công ty đã lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 50% công nhân đăng ký đi làm trở lại, số khác hiện đang ở quê hoặc ở lại phòng trọ để chăm sóc con nhỏ, nằm trong vùng phong tỏa.
Công ty của ông Phi đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn lao động. Chưa kể, do lĩnh vực của công ty đặc thù về sản phẩm điện tử công nghệ cao, nên một công nhân thạo việc phải tốn ít nhất 6 tháng đào tạo.
"Chúng tôi không thể tìm được nguồn lao động thay thế bên ngoài, đặc biệt là lao động tự do hay thời vụ vì không thể phù hợp với mô hình sản xuất của công ty", ông Phi cho biết.
Cũng theo ông Phi, công ty SV Probe Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu 100% và hoạt động theo phương thức tập đoàn với nhiều nhà máy ở nhiều nước trên thế giới. Khi Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các đơn hàng sẽ được phân bổ qua các nhà máy khác ở các nước.
Ông Phi tiết lộ, trong 3 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Bình Dương (từ tháng 7 đến tháng 9/2021), đơn hàng, doanh thu của công ty đã bị sụt giảm 90%.
Cần khoảng 50.000 lao động để khôi phục sản xuất
Lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi Bình Dương khôi phục lại nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động sản xuất và dự báo lượng lao động cần vào khoảng 50.000 người.
Cụ thể, sau ngày 1/10, lượng lao động đến trung tâm để tìm việc làm dao động khoảng từ 200 – 300 người/ngày. Ngoài nhu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhiều lao động mong muốn được kết nối việc làm để nhanh chóng có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một số lao động chưa mặn mà với việc làm vì đang mang tâm lý chờ đợi.
Cũng theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, ngoài việc kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, trung tâm sẽ triển khai ngay các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành.
Đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Đồng thời Trung tâm cũng sẽ kết nối lại với tỉnh Hà Giang, đây là tỉnh có nhiều lao động tiềm năng và đã hỗ trợ nguồn cung cho Bình Dương gần 1.000 lao động, tính từ đầu năm đến nay.
Từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với trung tâm để tuyển dụng lao động với số lượng gần 1.000 công nhân, lao động.
Hiện tại, trung tâm đang có nhu cầu tuyển dụng 3.000 công nhân, lao động cho 3 nhà máy ở KCN VSIP 2, KCN Đại Đăng và KCN Mỹ Phước 3. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tuyển hàng chục vị trí văn phòng với số lượng từ 2 đến 5 người như: Kế toán, Bảo trì, nhân sự, vận hành máy, kho, nhân viên y tế…
Theo một chủ đầu tư khu công nghiệp tại Bình Dương, bên cạnh các chính sách của nhà nước, các chủ doanh nghiệp cũng nên suy nghĩ để có giải pháp thu hút được người lao động trở lại sau dịch.
Theo đó, ngoài việc trả lương như thông thường, doanh nghiệp có thể thưởng thêm 1 tháng lương cho người lao động gắn bó với công ty, giúp họ có một khoản chi phí trang trải sau đại dịch.
Dù các doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng nếu so sánh những thiệt hại khi phải ngưng trệ sản xuất, trễ đơn hàng thì việc bỏ ra một khoản chi phí để hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại là giải pháp cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận