Bình Định thiếu 740 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư cao tốc Bắc - Nam
Bình Định thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam phía Đông tới đâu?
Ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng mới đây đã có báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025, qua địa bàn.
Theo đó, liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc của việc triển khai dự án, báo cáo cho thấy, hiện nay, các khu TĐC phải sử dụng các mỏ vật liệu đất đắp đã được cấp phép sẵn và đang khai thác sử dụng chung cho các công trình của các địa phương.
Lý do, chưa có mỏ vật liệu đất đắp được cấp phép để sử dụng riêng cho các khu TĐC vì không được áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình cấp mỏ, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ khai thác vật liệu đất đắp theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tốn rất nhiều thời gian, không đảm bảo tiến độ xây dựng khu TĐC phục vụ dự án.
Công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025, qua địa bàn tỉnh Bình Định. (Ảnh: Trương Định).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, trong buổi làm việc ngày 6/7 giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định với Đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm Tổ trưởng đã thống nhất nội dung cho sử dụng các mỏ đất phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam để cung cấp đất san lấp mặt bằng các khu TĐC phục vụ dự án. Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải thực hiện một số thủ tục theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nên trước mắt vẫn chưa thể khai thác vật liệu phục vụ dự án.
Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, các địa phương không có cơ sở thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC hoặc cấp phép xây dựng cho người dân tiến hành xây dựng lại nhà cửa đối với các hộ bị giải tỏa một phần thửa đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc GPMB nhưng thuộc phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc theo quy định từ cọc mốc GPMB trở ra mỗi bên từ 17 - 20 m (việc này UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT).
Chủ đầu tư chậm bàn giao hồ sơ, cọc mốc giới bãi thải, một số mỏ vật liệu, trạm dừng nghỉ và phạm vi chiếm dụng đất rừng tuyến chính cao tốc phát sinh (kể cả điều chỉnh, bổ sung cục bộ hướng tuyến) phải chuyển mục đích làm kéo dài thời gian rà soát, tổng hợp của địa phương để trình HĐND tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng.
Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện điều chỉnh phạm vi mốc GPMB trên địa bàn các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát và TP. Quy Nhơn và tiến hành bàn giao bổ sung cho các địa phương. Sau khi tiếp nhận, các địa phương phải triển khai thực hiện các bước đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất đai, phê duyệt phương án,... làm ảnh hưởng kéo dài thời gian thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng cho hay, theo các quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, chi phí bồi thường, hỗ trợ và TĐC qua địa bàn tỉnh Bình Định là 4.953 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ cọc mốc, phạm vi GPMB của Ban QLDA2, 85, địa phương kiểm tra, rà soát với tổng kinh phí thực hiện khoảng 5.693 tỷ đồng (cao hơn 740 tỷ đồng so với kinh phí đã được Bộ GTVT phê duyệt).
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh dự án để bổ sung thêm kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và TĐC còn thiếu là 740 tỷ đồng.
Để đảm công tác GPMB đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công dự án, UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Thường trực Tỉnh uỷ xem xét chỉ đạo Thường trực các huyện uỷ, thị uỷ, thành ủy có tuyến cao tốc đi qua tăng cường công tác chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan của địa phương tập trung triển khai hiệu quả nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB và TĐC dự án...
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 118,8km (đi qua địa phận 8 huyện, thị xã, thành phố với 30 xã, phường).
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, GPMB gồm 657 đợt, với số tiền 4.360 tỷ đồng; với diện tích 937/945 ha tuyến chính. Hiện, đã bàn giao cho chủ đầu tư diện tích 876/945 ha tuyến chính bị ảnh hưởng, chiều dài tuyến chính 109,37/117,38km.
Địa phương đã thực hiện đầu tư xây dựng 39 khu TĐC, với diện tích 69,095 ha/1.767 lô đất, tổng mức đầu tư 743 tỷ đồng. Đã bố trí TĐC cho 907 hộ bị ảnh hưởng với 1.042 lô đất. Hiện nay, đã xét giao đất TĐC và giao đất TĐC ngoài thực địa cho các hộ dân xây dựng nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, tổng vốn Bộ GTVT đã cấp cho các địa phương là 4.733 tỷ đồng, đạt 95,5% so với kinh phí được phê duyệt (4.953,56 tỷ đồng) và đạt 83,1% so với nhu cầu thực tế (5.693,2 tỷ đồng). Kết quả đến hiện nay đã thực hiện giải ngân được 2.943,9 tỷ đồng, đạt 62,2% vốn cấp, với diện tích 883/945 ha tuyến chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận