Bill Gates: Sau làn sóng Omicron, Covid-19 sẽ gần giống như bệnh cúm
Một khi làn sóng lây nhiễm hiện nay dịu đi, các quốc gia có thể chứng kiến “số ca nhiễm mới ít hơn nhiều” trong thời gian còn lại của năm 2022 – ông Gates nói...
Biến chủng Omicron của Covid-19 đang gây ra một làn sóng lây nhiễm lớn chưa từng thấy kể từ đầu đại dịch ở Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới, khiến số ca nhiễm mới trên toàn cầu liên tục lập kỷ lục trong những ngày gần đây. Trong bối cảnh như vậy, Bill Gates nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Một khi làn sóng lây nhiễm hiện nay dịu đi, các quốc gia có thể chứng kiến “số ca nhiễm mới ít hơn nhiều” trong thời gian còn lại của năm 2022 – ông Gates nói trong một phiên hỏi đáp (Q&A) trên mạng xã hội Twitter ngày 12/1. Ông cho rằng khi điều đó xảy ra, Covid có thể “được xem như một căn bệnh gần giống với cúm mùa”.
Nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft không phải là người đầu tiên đưa ra dự báo lạc quan như vậy về đại dịch. Một số chuyên gia nói rằng dù nguy hiểm, tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Omicron có thể khiến tạo ra đủ mức “miễn dịch tự nhiên” trong cộng đồng, để đưa kết thúc giai đoạn đại dịch và đưa Covid trở thành một căn bệnh đặc hữu (endemic).
Trong phiên hỏi đáp, vị tỷ phú nổi tiếng với hoạt động từ thiện tích cực cũng đề cập đến kịch bản như vậy. Ông dự báo rằng “Omicron sẽ giúp tạo ra nhiều miễn dịch, ít nhất cho một năm tới đây”. Vấn đề thời điểm có ý nghĩa quan trọng: Nếu các quốc gia đồng thời duy trì được một mức độ nhất định chống lại Covid, có thể thông qua tiêm vaccine hoặc nhiễm và khỏi bệnh, sự lây lan của virus có thể chậm lại tới mức chuyển từ đại dịch thành bệnh đặc hữu.
Một khi Covid trở thành bệnh đặc hữu, “thế giới có thể phải tiêm vaccine Covid hàng năm”, tương tự như vaccine cúm – Gates nói thêm.
Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ báo cáo 1,5 triệu ca nhiễm mới, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, tiến sỹ Anthony Fauci, cố vấn y tế cấp cao nhất của Nhà Trắng, dự báo làn sóng lây nhiễm này ở Mỹ sẽ dịu đi vào cuối tháng 1. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ dự báo một “sự sụt giảm nhanh chóng” về số ca nhiễm sau khi làn sóng Omicron qua đi.
Tuy nhiên, cho tới khi lắng xuống, Omicron vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế Mỹ. Ông Gates nói những người chưa tiêm vaccine sẽ tiếp tục chiếm đa số những ca Covid nặng, đồng thời dự báo hệ thống y tế trên toàn cầu sẽ tiếp tục bị thách thức bởi tốc độ lây nhiễm cực mạnh của Omciron.
Quan điểm tương đối lạc quan của ông Gates có thể bị dập tắt nếu xuất hiện một biến chủng Covid mới sau Omicron, đặc biệt nếu biến chủng đó gây bệnh nặng hơn và dễ lây hơn những biến chủng mà thế giới đã phát hiện tính đến thời điểm này. Ông cho rằng khả năng xuất hiện một biến chủng như vậy là thấp, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn.
“Khó có một biến chủng mới lây mạnh hơn. Nhưng trong đại dịch này, chúng ta đã bị ngạc nhiên nhiều lần”, ông nói.
Trong một cuộc họp báo ngày 12/1 ở Geneva, Thuỵ Sỹ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedrod Adhanom Ghebreyesus nói rằng thế giới tuần trước ghi nhận kỷ lục 15 triệu ca nhiễm Covid mới, trong bối cảnh Omicron nhanh chóng thế chỗ Delta để trở thành biến chủng chủ đạo trên toàn cầu. “Chúng tôi biết rằng con số này thậm chí chưa phản ánh đúng thực tế”, ông Tedros nói.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Maria Van Kerkhove, trưởng kỹ thuật của WHO về Covid-19, nhấn mạnh rằng số ca nhiễm lớn đang đặt ra áp lực với hệ thống y tế. “Cho dù Omicron có gây bệnh nhẹ hơn biến chủng Delta, thì biến chủng mới này vẫn khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có những người phải nằm phòng điều trị đặc biệt (ICU). Omicron vẫn khiến nhiều người tử vong”, bà Kerkhove nói.
Mỹ là nước có số ca nhiễm mới lớn nhất trong tuần trước, theo số liệu của WHO, với 4,6 triệu ca được báo cáo trong tuần, tăng 73% so với tuần trước đó, so với mức tăng 55% trên toàn cầu. Đó là dữ liệu trước khi Mỹ ghi nhận con số kỷ lục mới 1,5 triệu ca nhiễm trong một ngày vào hôm thứ Hai tuần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận