Biệt thự cổ tại TPHCM trước nguy cơ xóa sổ: Được và mất
Trong quá trình đô thị hóa ở TPHCM, nhiều công trình kiến trúc cổ nằm trong diện bảo tồn có nguy cơ bị xâm hại, thậm chí bị xóa sổ.
Để bảo tồn công trình kiến trúc cổ, TPHCM đã ban hành chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, theo đó có 1.227 biệt thự cũ (trước năm 1975) và hơn 400 công trình ngoài biệt thự cần nghiên cứu bảo tồn. Dù vậy, nhiều công trình cổ vẫn từ từ biến mất.
18 công trình biến mất
Biệt thự gần 100 tuổi tại 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 nằm ở góc đường 3 mặt tiền Võ Văn Tần-Bà Huyện Thanh Quan-Nguyễn Thị Diệu với diện tích hơn 2.800m2, thường được gọi là biệt thự Phương Nam. Đây là công trình độc nhất vô nhị và hiếm hoi còn tồn tại ở TPHCM, từ kiến trúc đến các bức tranh được vẽ trong từng căn phòng rất đặc biệt.
Căn biệt thự được xây dựng vào những năm 1920-1930 do cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyen Kim Sa Dang (sinh năm 1934, định cư tại Mỹ) là chủ sở hữu. Năm 2015, cụ Chi và cụ Dang chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và toàn bộ nội thất bên trong cho Công ty Cổ phần Minerva với giá 35 triệu USD. Hiện tại, Công ty CP Minerva đang trùng tu biệt thự cổ này. Theo kế hoạch, Công ty CP Minerva sẽ tháo bỏ dãy nhà phía sau biệt thự nằm tại mặt tiền đường Nguyễn Thị Diệu, rồi nâng cấp hàng rào và 3 cổng nằm ở 2 mặt tiền đường Võ Văn Tần và Bà Huyện Thanh Quan. Cuối cùng, trùng tu hội trường âm nhạc, nhà chính và mái nhà. Thời gian hoàn thành sớm nhất sẽ là năm 2021. Biệt thự mới sẽ không còn cái tên Phương Nam, mà được đặt là The Villa.
Tương tự, trụ sở Cục Hải quan TPHCM cũng là một trong những công trình kiến trúc thời Pháp được yêu thích nhưng cũng bị phá bỏ một phần để xây dựng lại. Trụ sở Cục Hải quan TPHCM trước kia là Hôtel des Douanes do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Alfred Foulhoux xây năm 1885-1887. Foulhoux cũng là kiến trúc sư thiết kế Bưu điện Sài Gòn. Hiện tại, trong khu đất là trụ sở Cục Hải quan TPHCM đang được xây dựng một tòa cao ốc 20.000 m2 trên diện tích khu đất 3.567m2 với 21 tầng nổi, 2 tầng hầm và hệ thống kỹ thuật công trình hiện đại với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Chỉ có tòa nhà A là được bảo tồn nguyên trạng.
Tại khu đất có địa chỉ 243 Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3 có hai căn biệt cổ đã bị đập bỏ, bất chấp Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM có văn bản gửi UBND quận 3 đề nghị ngưng việc tháo dỡ để sở này và Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc kiểm kê, đánh giá. Hiện nay, khu đất tại số 243 Cách Mạng Tháng Tám đã được xây dựng tòa nhà mới với quy mô 7 tầng và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng gần 11.000m2. Một công trình cổ khác, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Sài Gòn là thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, cũng đã bị xóa sổ. Cuối năm 2016, tòa nhà thương xá Tax bắt đầu được đập bỏ toàn bộ để chuẩn bị mặt bằng xây công trình mới có 40 tầng cao mang tên Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn là bãi đất trống.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Di sản đô thị ở TPHCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững”, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình chúng ta xây dựng và phát triển TPHCM. Có thể kể ra những cái tên quen thuộc một thời như địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng, quận 6, tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TPHCM, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...
Áp lực sinh lợi kinh tế tức thời
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa đề xuất, khi xây dựng, phát triển đô thị, nếu vì bất khả kháng phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần thì cũng cần làm “phụ lục” di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới như bảng giới thiệu, hình ảnh, một chút hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của công trình, di sản lúc còn tồn tại...
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, tại TPHCM, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt thấy rõ trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc. “Quá trình đô thị hóa ào ạt làm cho những giá trị vốn có của đô thị sẽ mất đi. Áp lực sinh lợi kinh tế tức thời và sự thiếu khôn ngoan, tỉnh táo, thiếu tầm nhìn xa trong hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị tất dẫn tới việc khai thác triệt để đất đai khu vực trung tâm của đô thị cũ”, bà Hậu nói. Theo bà, tính chất và bối cảnh của di sản đô thị bị rạn vỡ từ chính mức độ tương phản giữa kiến trúc cũ - mới, lai tạp…
Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, các công trình cổ biến mất, một phần do thủ tục duy tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu làm liều. Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy, hoặc bị sửa chữa, chắp vá. Thêm vào đó, việc phá dỡ hay cơi nới các biệt thự cổ xuất phát từ lợi ích trước mắt. Những người sống trong biệt thự phải cơi nới để sinh hoạt, tìm kế sinh nhai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận