Biến thể Omicron gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ
Đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron bắt đầu gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ khi sức chi tiêu của người dân có dấu hiệu giảm sút với số người dùng bữa tại các nhà hàng giảm nhanh và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời so số ca nhiễm tăng vọt.
Song số ca nhiễm Covid-19 tăng bùng nổ, do đà lây lan nhanh của biến thể Omicron, đang kìm hãm một số hoạt động kinh doanh ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tính đến ngày 23-12, số ca nhiễm trung bình bảy ngày ở Mỹ đã lên con số hơn 168.000, vượt mức đỉnh số ca nhiễm trong mùa hè.
Hôm 23-12, các hãng hàng không United, Airlines Delta Air Lines và Alaska Airlines thông báo hủy hàng trăm chuyến bay trong đêm Giáng sinh do nhiều nhân viên và thành viên đội bay nhiễm biến thể Omicron.
Số lượng thực khách ăn uống tại các nhà hàng trên toàn nước Mỹ giảm 15% trong tuần kết thúc vào ngày 22-12 so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm mạnh hơn so với cuối tháng 11, theo dữ liệu từ trang web đặt bàn nhà hàng OpenTable. Công ty phân tích và dữ liệu khách sạn toàn cầu STR cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn của Mỹ đạt mức 53,8% trong tuần kết thúc vào ngày 18-12, thấp hơn một chút so với mức của tuần trước đó.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời gian ngắn, các tụ điểm giải trí phải hủy show, các trường đại học chuyển sang dạy trực tuyến và các văn phòng hoãn hoặc lùi kế hoạch tái mở cửa.
Cuối tuần trước, Chủ tịch hãng truyền hình CNN, Jeff Zucker thông báo đóng cửa tất cả các văn phòng đối với những nhân viên không thiết yếu. Trong những ngày gần đây, hãng xe Ford, Công ty công nghệ Uber Technologies và Công ty Google của Alphabet tuyên bố trì hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc giữa lúc số ca nhiễm biến thể Omicron tăng chóng mặt.
Hàng loạt quán bar ở TP. New York và TP. Nashville buộc phải đóng cửa tạm thời do nhiều nhân viên nhiễm Omicron dù đã tiêm ngừa đầy đủ. Một số trường đại học bao gồm Đại học Harvard thông báo chuyển sang dạy trực tuyến trong một số tuần đối với kỳ học mùa đông.
Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Jefferies, nói: “Chúng tôi chứng kiến mức tiêu dùng rất mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong quý 4, nhưng giờ đây tôi thấy rằng xung lực tăng trưởng đó suy yếu dần”.
Hôm 23-12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức chi tiêu của người dân tăng 0,6% trong tháng 11, chậm lại so với mức tăng 1,4% trong tháng 10.
Các nhà kinh tế dự báo biến thể Omicron có thể gây giảm sút sức tiêu dùng trong nước và kìm hãm tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn khi nhiều dân hạn chế đi ra ngoài.
Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong những tháng tới do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng. Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) nhận định GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,5% hàng năm trong quý 1-2022, giảm so với mức dự báo trước đó là 3,4%.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý hiện tại và quý đầu tiên của năm 2022, một phần để phản ánh lo ngại sức chi tiêu nội địa sẽ suy yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tuy nhiên, họ kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2022 khi tình trạng căng thẳng của các chuỗi cung ứng toàn cầu dịu lại.
Dù tác động bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ dường như suy giảm sau mỗi làn sóng lây nhiễm Covid-19 nhưng một số nhà kinh tế lưu ý Omicron đặt ra những mối đe dọa khác hẳn.
Ví dụ, Omicron đang tấn công vùng Đông Bắc của nước Mỹ mạnh hơn các đợt lây nhiễm trước đây. Nhà kinh tế Aneta Markowska cho biết giới doanh nghiệp trong khu vực này có xu hướng sẵn sàng áp đặt các hạn chế để ngăn chặn Covid-19 hơn một số khu vực khác trong nước.
Markowska cảnh báo Omicron có khả năng đảo ngược các hoạt động tái mở cửa nền kinh tế, thay vì chỉ trì hoãn chúng. Bà nói tỷ lệ nhân viên đến văn phòng làm việc có thể giảm mạnh do đà lây lan của Omicron, dẫn đến nhu cầu giảm đối với các dịch vụ ăn uống như căng-tin.
Omicron cũng khiến nhiều công nhân nhiễm bệnh ở nhà trong một thời gian. Điều này sẽ hạn chế hơn nữa công suất của các nhà máy tại Mỹ. Vấn đề khan hiếm hàng hóa là lực cản lớn đối với triển vọng tăng trưởng tiêu dùng.
Tình trạng hàng hóa thiếu thốn có thể khiến lạm phát tăng cao hơn nữa. Trong tháng 11-2021, chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giám sát chặt chẽ, tăng 5,7% so với cùng kỳ nă ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1982, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 23-12.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận