menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Biến thách thức thành cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Trong cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, bối cảnh thế giới biến động khó lường, Chính phủ cần chủ động nắm bắt những thách thức đối với nền kinh tế để xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cuộc trao đổi dưới đây sẽ thông tin rõ hơn xung quanh nội dung này.

Trong những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động, khó lường, điều này tác động và biến đổi kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó vai trò của Chính phủ đối với nền kinh tế sẽ như thế nào thưa ông?

Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế, chính trị thế giới trải qua nhiều biến cố, bất định khó lường. Hàng loạt biến cố liên tiếp xảy ra, biến cố trước chưa kết thúc, biến cố sau đã xuất hiện khiến trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ; cạnh tranh chiến lược và kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực; các giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng, nền quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc của hệ thống quốc tế bị suy yếu, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại.

Các biến cố dẫn đến định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử; gia tăng mạng lưới sản xuất khu vực trong bối cảnh mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng; gia tăng toàn cầu hoá dịch vụ.

Chuỗi cung ứng dịch chuyển nhằm tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ xung đột chính trị và chiến tranh thương mại. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác là xu hướng khách quan.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, có 5 yếu tố định hình kinh tế thế giới trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đó là: lãi suất; biến động của kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa kinh tế thế giới; chuyển đổi năng lượng; can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.

Hiện nay, phi toàn cầu hoá là xu hướng đang diễn ra với tốc độ nhanh, thể hiện qua chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy sản xuất trên lãnh thổ quốc gia, giảm vận chuyển hàng hoá ở khoảng cách xa, kiểm soát vốn nhằm giảm ảnh hưởng của vấn đề tài chính đối với kinh tế toàn cầu.

Đại dịch đã cảnh tỉnh thế giới, khiến chính phủ các nước nhận thấy mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia được xây dựng và phát triển trong giai đoạn toàn cầu hoá có nhiều điểm yếu và bất cập.

Trong thế giới bất định, khó lường do bất ổn địa chính trị; cạnh tranh chiến lược và kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, sự can thiệp của chính phủ xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội ngày càng cần thiết, có tầm quan trọng đặc biệt và trở thành xu thế tất yếu cho ổn định và phát triển đất nước trong thời gian vừa qua và trong những năm tới.

Thưa ông, quá trình phi toàn cầu hoá và chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ tác động thế nào tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam?

Trong xu thế chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhìn nhận nếu Việt Nam không đưa ra các tiêu chuẩn và quy định cụ thể để sàng lọc các dự án FDI thì làn sóng FDI sẽ đổ vào Việt Nam, biến Việt Nam thành "vùng đệm" để Trung Quốc và nhiều nước muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất đến Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký.

Đó cũng là giải pháp để nhiều nền kinh tế lớn của châu Á chọn xuất khẩu sang Việt Nam như một trung tâm lắp ráp rồi xuất đi.

Nhận định này dựa trên số liệu năm 2022 khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế; kim ngạch của 2 nhóm hàng thuộc khu vực FDI là điện thoại và linh kiện và điện tử máy tính và linh kiện chiếm tới 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khi FDI tại Việt Nam chỉ là lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất thì lợi ích thực mang lại cho nội lực sản xuất cũng như thu nhập của người Việt Nam không nhiều, lợi nhuận chính chảy ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có những cơ hội khi xu hướng phi toàn cầu hóa diễn ra sẽ biến Việt Nam là một trong những điểm đến của đầu tư nước ngoài.

Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế năm 2022 phản ánh các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, có thể trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới. Mặc dù dòng chảy chậm lại với xu hướng thắt chặt quản lý đầu tư nước ngoài, nhưng với các lợi thế của nền kinh tế, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, kinh tế Việt Nam chịu tác động rất mạnh từ biến động của kinh tế thế giới. Tuy vậy, năm 2022, kinh tế vẫn tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, ông đánh giá thế nào về vai trò của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành để đạt được kết quả này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong những năm khó khăn, đầy thách thức vừa qua, vai trò và tầm quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế được minh chứng qua thành quả tăng trưởng kinh tế năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua, được minh chứng qua các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng.

Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn tới tình hình kinh tế -xã hội trong nước.

Trong bối cảnh đó, với sự quyết đoán mang tính chiến lược của Chính phủ chuyển đổi từ Zero COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ cuối năm 2021 đã gỡ bỏ các rào cản, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cùng với sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã được đền đáp bằng kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng và kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu.

Trong tốc độ tăng GDP 8,02%, yếu tố vốn chỉ còn đóng góp 34,7%, lao động đóng góp 21,5%, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp tới 43,8%. Tuy chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của năm 2022 đạt giá trị cao nhưng vẫn thấp hơn TFP của năm 2018 là 46,7% và TFP của năm 2019 là 49,6%. Điều này cho thấy tầm quan trọng và cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế đối với cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh và chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ.

Kết quả tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát là minh chứng cho một Chính phủ hành động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thưa ông, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, để chủ động xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, Chính phủ cần có giải pháp gì?

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 vẫn đầy biến động, bất ổn, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ thấp đáng kể với lạm phát cao và dai dẳng hơn.

Để cỗ xe tứ mã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chạy trơn chu và nhanh hơn, chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi kinh tế; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Cùng với đó, Chính phủ xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung và dài hạn, chủ động đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả các tình huống phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; đồng thời, tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ chuyển đổi chuỗi cung ứng và phi toàn cầu hoá, để Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới. Đặc biệt Chính phủ xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và có chế tài nhằm quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn; xử lý nghiêm các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai thực hiện và các vấn đề khác có liên quan như: trốn và nợ thuế, sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường…


Xin cám ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại