24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Biến” Covid trong kịch bản kinh tế 2021

Covid-19 tiếp tục là một biến số khó lường khiến việc xây dựng kịch bản kinh tế 2021 trở nên khó khăn hơn.

Cần dựng sẵn 2 kịch bản kinh tế

Có vẻ như, nỗi lo về những tác động của Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn còn rất lớn. Vì thế, mặc dù Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 với một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP ở mức 6%, song khi thảo luận tại nghị trường Quốc hội, khá nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm với chỉ tiêu này.

“Chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh. Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý”, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đã nói như vậy.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nhấn mạnh: “So với kết quả đạt được của năm 2020 (dự kiến 2-3%), mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đang ở mức khá cao”.

Không thể không thừa nhận, tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Vấn đề ở chỗ, tốc độ lây lan vẫn rất khủng khiếp, kể từ ngày 25/10 đạt mốc 43 triệu người đến nay, cứ 2 ngày lại có thêm 1 triệu ca nhiễm mới. Vì thế, các biện pháp cách ly, phòng dịch vẫn đang được nhiều nước áp dụng.

Còn Việt Nam dù bắt đầu cho phép các chuyến bay thương mại được thực hiện, song vẫn rất hạn chế, kèm theo các điều kiện nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh. Những điều này sẽ dẫn đến rủi ro suy thoái kinh tế thế giới chưa thể được loại trừ trong năm tới và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã thành công và đạt được hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng từ 6,2% lên 6,8% rồi 7%, kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc, nhưng rồi năm 2020, một biến bất thường xuất hiện. Đó là Covid-19”, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nói.

Vì “biến” Covid-19, theo tính toán của ông Trần Hoàng Ngân, nền kinh tế mất đi khoảng 500.000 tỷ đồng. Do đó, khi xây dựng Kế hoạch 2021, cũng như Kế hoạch 2021-2025, phải thận trọng với “biến” Covid này.

Chính ông Ngân đã đề xuất Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản kinh tế. Một kịch bản tốt nhất là, Covid-19 được kiểm soát, vaccine phát sinh hiệu quả và kinh tế thế giới phục hồi, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6,7-6,8%. Một kịch bản khác là vaccine không hiệu quả, Covid-19 có thể tái phát, kinh tế thế giới suy thoái kép, nền kinh tế trong nước chỉ đạt mức tăng trưởng 4-4,5%.

Thận trọng với “biến” Covid

Không chỉ các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội mới lo lắng về “biến” Covid. Là Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người “thấm” điều ấy nhất. Báo cáo Chính phủ, lần nào Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc đến những rủi ro Covid-19 đến nền kinh tế. Không những thế, còn là những rủi ro liên quan đến xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, bất ổn chính trị toàn cầu...

Nhưng bên cạnh nhận rõ rủi ro, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vẫn có không ít cơ hội và tiềm năng mà Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đó là các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có FTA với EU; cơ hội từ việc thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển; cơ hội từ việc chuyển đổi số, thương mại điện tử, hay sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới…

Các dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế đều cho thấy, sau một năm 2020 chỉ tăng trưởng 2-3%, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại trong năm 2021. Chẳng hạn, Ngân hàng UOB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% vào năm sau. HSBC thậm chí đưa ra con số tới 8,1% và cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Thận trọng hơn, song Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm tới.

Tất nhiên, các dự báo lạc quan trên đều dựa trên cơ sở cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn.

“Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở. Hơn nữa, do mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, nên đây cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng năm 2021 cao hơn ở mức bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6% cũng nhằm tạo động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trên thực tế, lường trước các yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu, tác động khôn lường của đại dịch Covid-19, khi xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2021, cũng như cho cả giai đoạn 5 năm 2021-2025, chuyện “quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cao nhất, đồng thời chuẩn bị các phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình” cũng đã được nhắc tới.

Vì thế, đồng ý với những lo lắng của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình điều hành, sẽ phải xây dựng thêm một số kịch bản để đối phó và ứng phó kịp thời với diễn biến của dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 phụ thuộc khá nhiều vào việc khống chế dịch bệnh.

“Nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại, thì tất cả những gì mà Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ đầu năm làm được sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Kịch bản và các dự báo tăng trưởng trong năm sau và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm sẽ bị thay đổi theo hướng xấu đi. Do vậy, tôi đề nghị, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống Covid-19, không để tình trạng chủ quan trong quản lý dịch bệnh ở các địa phương”, ông Thưởng nói.

Việc lường trước tình hình, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, để chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra cũng là điều được ông Thưởng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả