BIDV tất toán xong trái phiếu VAMC, tiếp tục tăng 6.230 tỷ đồng vốn điều lệ
Mục tiêu lợi nhuận mà BIDV đề ra là 12.500 tỷ đồng, nhưng dựa trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 3. HĐQT BIDV đã được ủy quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tình hình thực tế.
Kế hoạch lãi 12.500 tỷ đồng trong kịch bản dịch được kiểm soát
Sáng 7/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khai màn mùa họp cổ đông thường niên năm 2020 tại Hội trường lớn Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Hà Nội.
Tổ chức đại hội giữa mùa dịch Covid-19, ngân hàng bổ sung thêm đội ngũ y tế đo thân nhiệt các cổ đông tham dự đại hội. Tác động của dịch bệnh cũng phần nào phản ánh vào kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đồng thời cũng là chủ tọa cuộc họp cho biết tăng trưởng dư nợ cho vay và huy động giảm lần lượt 2% và 1,6%. Chênh lệch thu chi đạt 5.700 tỷ đồng.
“Hai tháng đầu năm, ngân hàng vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn. Kết quả tăng trưởng âm cũng nằm trong xu hướng chung của các ngân hàng do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân”.
Ông Phan Đức Tú cũng cho biết, thông thường xu hướng chung những tháng đầu năm như tháng Giêng vừa qua, khách hàng cũng rất ít khi đi vay.
Lãnh đạo BIDV cũng cho biết, đã chủ động báo cáo NHNN, xây dựng các biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp ngay sau khi có dịch. BIDV hiện đang triển khai gói hỗ trợ cho cả các khách hàng có nhu cầu vay mới và giãn nợ. Số tiền cung cấp ra đến nay là 28.000 tỷ đồng và sẽ cân đối tùy theo sức hấp thụ của thị trường.
Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2019, BIDV có chênh lệch thu chi tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt 30.864 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 10.732 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHĐCĐ giao,... ROA đạt 0,6%, ROE đạt 13,7%. BIDV thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước, năm 2019 nộp 8.550 tỷ đồng; đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông, thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt với tổng giá trị 4.560 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.
Tại Đại hội, cổ đông đã nhất trí với kế hoạch kinh doanh năm 2020 do HĐQT trình. Theo đó, tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%. Tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là 9%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; đồng thời, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 dự kiến 7%.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho biết kịch bản lợi nhuận trên dựa trên cơ sở dịch được kiểm soát tốt vào cuối tháng 3. Phía ngân hàng cũng bỏ ngỏ về khả năng điều chỉnh kế hoạch. Các cổ đông đã nhất trí ủy quyền cho HĐQT quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tình hình thực tế, đặc biệt theo tình hình dịch Covid 19 và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ chi trả cổ tức cũng cần phụ thuộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tiếp tục tăng vốn thêm hơn 6.200 tỷ đồng
Năm 2019 với việc chính thức hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (KEB Hana Bank), BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam. BIDV cũng được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basell II trước thời hạn (áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/12/2019).
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ lần này, BIDV đã trình và được thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2020 dự kiến 6.230 tỷ đồng, qua đó dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 15,5% so với 31/12/2019, từ 40.220 tỷ đồng lên 46.450 tỷ đồng. Cụ thể, hai phương án tăng vốn gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 7% và chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng, tỷ lệ dự kiến 8,5%.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, trong trường hợp chào bán riêng lẻ, ngân hàng có thể phân phối cho một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV cùng các cổ đông bên ngoài với số lượng nhà đầu tối đa dưới 100 cá nhân/ tổ chức. Thời điểm dự kiến trong 2020-2021, còn phương án cụ thể giao HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn thời gian phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến trong quý III-IV/2020.
Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất cao bầu ông Lê Kim Hòa và ông Trần Xuân Hòa giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. Với sự bổ sung này, Hội đồng quản trị BIDV gồm có 10 thành viên, trong đó có 1 thành viên là người nước ngoài cũng là đại diện cổ đông lớn KEB Hana Bank.
Ngân hàng xác định rõ năm 2020 là có ý nghĩa quan trọng do là năm hoàn thành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 và đề án 1058, đồng thời năm đầu thực hiện chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030,..
Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết sau khi tiếp tục trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC hồi đầu năm, BIDV hiện đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC, hoàn thành trước 10 tháng so với kế hoạch. Đến cuối năm 2019, ngân hàng đã trích lập 6.300 tỷ đồng trong số 9.312 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận