Bị siết, tại sao tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng?
Chịu tác động từ quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thị trường giảm nhu cầu do dịch Covid-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được đà tăng. Có ý kiến cho rằng mức tăng chưa phải lớn, là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhu cầu tín dụng nói chung đang suy giảm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Với tổng tín dụng trong quý I/2020 ở mức 8,3 triệu tỷ đồng, tổng vốn tín dụng bất động sản trong 3 tháng đầu năm tương ứng con số 1,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, những năm vừa qua, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng (phục vụ nhu cầu về nhà ở), tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ bất động sản ngày càng giảm.
Cụ thể, tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản tính đến 31/12/2017, 31/12/2018 và 31/12/2019 có xu hướng giảm dần, lần lượt là 45,63%, 35,49% và 32,95%. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này tăng lên mức 37,57%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) bày tỏ sự ngạc nhiên về mức tăng trưởng tín dụng bất động sản. “Phản ánh thực tế từ các thành viên Hiệp hội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng sau Tết Âm lịch đến hết quý I. Các hoạt động giao dịch chủ yếu thực hiện trực tuyến, phần lớn là làm nốt các thủ tục về thanh lý hợp đồng. Các hoạt động mở bán rất ít. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn ngân hàng nên chuyển sang huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, những con số này có vẻ chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong những tháng đầu năm”, ông Châu nói.
Trong khi đó, lý giải về mức tăng trưởng đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đây là những con số thống kê đến cuối tháng 3. Tình hình dịch bệnh tác động mạnh nhất vào nền kinh tế trong tháng 4 và tháng 5, nên phải chờ số liệu cuối quý II mới có thể đánh giá được tác động của chính sách giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng tín dụng bất động sản trong cả năm nay.
Từ góc độ ngân hàng, theo ông Hiếu, các nhà băng đã tích cực huy động vốn trung và dài hạn từ cuối năm 2019, không chỉ bằng việc tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài mà còn bằng việc phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn. Nhờ đó, nguồn vốn cung ứng ở các ngân hàng cho thị trường bất động sản không hẳn là thiếu.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, những con số tăng trưởng tín dụng bất động sản trong quý I chưa phải là cao và chưa đến mức đáng lo. “Mức tăng trưởng tín dụng trong quý I là do giải ngân những khoản đã cam kết từ cuối năm ngoái. Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp năm nay, nỗ lực đẩy mạnh tín dụng là không dễ dàng, do đó tín dụng vào lĩnh vực bất động sản một cách lành mạnh, trong tầm kiểm soát là tín hiệu tích cực”, ông Lực nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, Thông tư 22/2019/TT-NHNN không hẳn là siết mà chỉ là nắn chỉnh dòng vốn tín dụng. Theo đó, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, tỷ lệ này ở nhiều ngân hàng vẫn còn khá thấp so với mức giới hạn nêu trên nên khả năng cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực này vẫn khá tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận