Bị kiện đòi đất vì cái 'đao mái nhà'
Dựa vào cái "đao mái nhà” trong kiến trúc truyền thống, một gia đình ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đòi phần đất giáp ranh với hộ liền kề. Vụ án tranh chấp đất đai được TAND huyện Yên Phong thụ lý đã hơn 3 năm, song đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử khiến người dân bức xúc.
Bất ngờ bị kiện đòi đất vì “cái đao nhà trên mái”
Gửi đơn gửi Báo Tiền Phong, ông Trần Văn Sơn ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ (huyện Yên Phong-Bắc Ninh) cho biết, gia đình ông được cấp "sổ đỏ" năm 2000 với diện tích 625m2, sinh sống ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, 3 năm trước gia đình ông bất ngờ bị hộ liền kề là ông Nguyễn Văn Hướng kiện lấn chiếm phần đất giáp ranh.
Trong đơn, ông Sơn trình bày: Hai nhà là hàng xóm, nhà liền kề đã có sẵn móng tường và móng nhà mốc giới bao đời nay. Nhà tôi phía trên, nhà ông Hướng phía dưới, giáp với móng tường và móng nhà ông Hướng là rãnh thoát nước thải từ công trình phụ, bể, giếng, bếp, vệ sinh… chảy ra ngõ và ra ao làng chung cả khu. Nhà ông Hướng có 2 cửa sổ, 2 cái đao nhà (cái đao nhà là phần ở góc mái nhà, trong các công trình kiến trúc truyền thống được uốn cong lên như hình lưỡi đao-PV).
Công trình phụ, bể nước, giếng nước và rãnh chảy thải nhà ông Sơn.
Dựa vào cái "đao trên mái nhà”, gia đình ông Nguyễn Văn Hướng ở thôn Cầu gạo (xã yên phụ, huyện Yên phong, tỉnh Bắc Ninh) kiện đòi phần đất giáp ranh với hộ liền kề là gia đình ông Trần Văn Sơn. Trong ảnh: Phần mái đao nhà được gia đình ông Hướng đắp lại mới đây (khoanh đỏ - PV).
Theo ông Sơn, hơn 30 năm qua hai gia đình không có tranh chấp gì, thì đầu năm 2020, hộ ông Hướng bất ngờ kiện hộ ông Sơn lấn chiếm đất từ 50-70cm dài 30,5m.
"Tôi hỏi ông Hướng căn cứ vào đâu, thì ông ấy nói căn cứ vào cái "đao nhà trên mái” một cái phía Đông dài 50cm và một cái phía Tây dài sang phần đất nhà tôi 70cm, trong khi đó nhà ông Hướng đã sửa đao, đảo mái nhiều lần. Hơn nữa dù Tòa án huyện Yên phong đã có kết quả kiểm tra thực địa đế móng, mốc giới chỉ cách chân tường 12-20cm, tuy nhiên ông Hướng vẫn tiếp tục kiện tôi lấn đất 50-70cm. Chúng tôi không hiểu, dù đã có mốc giới là đế móng nhà, đế móng tường rõ ràng, tuy nhiên vụ án vẫn không được đem ra xét xử mà tiếp tục kéo dài, và có dấu hiệu tìm chứng cứ khác buộc tội gia đình tôi...”, ông Sơn bức xúc
Sau 3 năm vụ án vẫn chưa được xét xử
Theo tìm hiểu của PV, vụ án đã được TAND huyện Yên Phong thụ lý xét xử hồi tháng 6/2020, đến nay hơn 3 năm. Trong đó tạm hoãn đến 3 lần, 2 lần thay đổi thẩm phán, hơn 6 lần thẩm định tại chỗ và đặc biệt là có đến 2 chứng cứ "buộc tội" gia đình ông Sơn phải hủy bỏ.
Kết quả kiể tra đế móng, mốc giới chỉ cách chân tường 12-20cm.
Điều đáng nói, ngày 1/8/2022 UBND Xã Yên Phụ đã có biên bản họp và xin rút lại và hủy bỏ văn bản tại “Bút lục số 91: Biên bản làm việc giữa TAND huyện Yên Phong với UBND xã Yên Phụ ngày 26/10/2020” với lý do nhầm chữ ký và việc xác nhận vô căn cứ”. (Trích Bút lục số 91: “Do vậy UBND xã Yên phụ khẳng định phần diện tích tranh chấp có chiều dài 30,5m, rộng khoảng 50-70cm là phần đất thuộc hộ ông Hướng”).
Tức là khi tòa còn đang thu thập chứng cứ để phân xử thì Chủ tịch UBND xã Yên phụ và địa chính xã đã vội vàng khẳng định thay chức năng nhiệm vụ của tòa án.
Tiếp đến ngày 9/9/2022 Công ty TNHH tư vấn DVKT Tài Nguyên Môi trường Bắc Ninh đã phải hủy kết quả thẩm định tại chỗ, đo vẽ lần 1 ngày 10/11/2020. Trong khi kết quả đo lần 2 cũng trong ngày 9/9 ngược lại hoàn toàn với lần 1. (Trích lục kết quả đo lần 1 “Diện tích nhà ông Sơn thừa 6m2, diện tích nhà ông Hướng thiếu 6m2”; kết quả đo lần 2, diện tích nhà ông Sơn thiếu 33,8m2 nhà ông Hướng thừa 16,8m2).
Hơn nữa trong hồ sơ xét xử nhiều bút lục có dấu hiệu sửa chữa về ngày tháng phát hành, thêm bớt, nhầm lẫn, cụ thể là trong Bút lục 49 dấu hiệu sửa ngày tháng để hợp lý hóa với thời gian thụ lý; Bút lục 29 Tòa án huyện Yên phong xác nhận nhầm giá trị tài sản tranh chấp từ 7,2 thành 72 triệu đồng.
Vụ việc được TAND huyện Yên Phong thụ lý xét xử hồi tháng 6/2020, trong đó tạm hoãn đến 3 lần, 2 lần thay đổi thẩm phán, hơn 6 lần thẩm định tại chỗ và đặc biệt là có đến 2 chứng cứ phải hủy bỏ.
Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Ninh - Chánh án TAND huyện Yên Phong cho biết vụ án ban đầu được giao cho thẩm phán Nguyễn Xuân Phương đã chuyển công tác, nay chuyển cho thẩm phán mới Nguyễn Thị Minh Huệ tiếp tục thụ lý giải quyết. Ông Ninh cho rằng vụ việc kéo dài là do phải thay đổi thẩm phán. Hơn nữa vụ việc tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp nên cần thời gian để thu thập thêm bằng chứng, chứng cứ khác.
Luật sư Vũ Kim Hoàn Công ty luật HQC cho biết, sau khi xem xét các trích lục trong hồ sơ xét xử, cho thấy bản chất vụ án này là tranh chấp về mốc giới giữa hai nhà; hai nhà đã tồn tại trước Luật Đất đai năm 1987 đã cấp sổ, hơn nữa tòa án đã có biên bản khai quật đế móng, nghĩa là đã xác định được mốc giới giữa 2 nhà, thì việc tìm thêm chứng cứ là không nhất thiết…
Bởi vì cái đế móng ngầm dưới đất bất di bất dịch, chính là bằng chứng mốc giới pháp lý, không ai xét cái mũi đao nhà làm mốc giới bao giờ. Thậm chí theo Điều 178 Bộ luật dân sự 2015 thì hai nhà giáp ranh nhau không được phép mở cửa sổ, mái hắt nếu không có đủ 2m khoảng lưu không giữa hai nhà.
“Khi xác định được mốc giới, vụ án có thể đem ra xét xử chứ không để chờ đến 3 năm. Hơn nữa có 2 chứng cứ quan trọng đã bị hủy bỏ, thể hiện rõ vấn đề thu thập chứng cứ thiếu khách quan, thậm chí vụ án này có dấu hiệu vi phạm Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13”, Luật sư Hoàn phân tích.
Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận