menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Bị giám sát máy tính, thời gian ăn trưa; kỹ sư công nghệ Trung Quốc làm việc trong điều kiện ngặt nghèo

Bài đăng mới đây trên báo Nikkei đã lột tả sự khốc liệt của môi trường làm việc trong nhiều doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghệ Trung Quốc.

Anh Andy Wang, một kỹ sư IT tại một công ty trò chơi ở Thượng Hải, thỉnh thoảng lại cảm thấy mệt mỏi và tội lỗi với công việc của mình.

Phần lớn thời gian của anh được dành cho một ứng dụng giám sát có tên DiSanZhiYan hay còn gọi là “con mắt thứ 3”. Hệ thống này được lắp ráp vào máy tính của từng nhân viên tại công ty anh nhằm kiểm soát màn hình theo thời gian thực, thu thập lại nội dung chat, lịch sử trình duyệt web của họ và tất cả các tài liệu mà họ soạn thảo ra.

Bài đăng mới đây trên báo Nikkei đã lột tả sự khốc liệt của môi trường làm việc trong nhiều doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghệ Trung Quốc. Hàng trăm nhân viên của công ty này dù cảm thấy không thoải mái nhưng vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của con mắt thứ 3 này.

Phần mềm sẽ ngay lập tức cảnh báo khi nhân viên có những hành động đáng ngờ như lướt vào các trang web tìm việc hoặc vào các nền tảng xem video. Báo cáo hiệu quả công việc sẽ được công bố hàng tuần, tóm tắt chi tiết thời gian sử dụng trang web và các ứng dụng.

“Các ông chủ sẽ theo dõi sát sao các báo cáo hiệu quả công việc”, anh Wang cho biết. Ngoài ra, các báo cáo kiểu này sẽ ảnh hưởng đến cả triển vọng lương thưởng và thăng tiến, đồng thời nó cũng được sử dụng làm bằng chứng khi công ty muốn sa thải nhân sự.

Ngay cả anh Wang cũng chịu sự giám sát của người khác. Ngoài ra, các camera độ nét cao được lắp đặt ở khắp các tầng nhà, một nhân viên lễ tân sẽ kiểm tra đoạn video hàng ngày nhằm biết được mỗi nhân viên tốn bao nhiêu thời gian cho việc ăn trưa.

Sau khi làm việc được 2 năm tại đây, anh Wang cuối cùng đã xin nghỉ việc vì quá chán nản. Anh nói: “Mọi chuyện chẳng có ý nghĩa gì cả, chúng ta không thể làm việc liên tục khi ở văn phòng, chúng ta cũng cần phải được nghỉ ngơi”.

Tại Trung Quốc, việc ứng dụng công nghệ từng hứa hẹn sẽ mang đến cho tầng lớp trung lưu một cuộc sống dễ thở và hiệu quả hơn. Tuy nhiên khi mà các doanh nghiệp đưa các công cụ của cuộc sống thường ngày vào đời sống công sở, hiệu quả của chúng lại không vào giải trí mà chuyển sang vắt kiệt giá trị từ nhân viên.

Khi mà các thuật toán đang thống trị ngày làm việc của những nhân viên kho bãi tại Alibaba và vận chuyển thực phẩm Meituan, ở nhiều nơi khác, những người nhân viên văn phòng cũng chịu ảnh hưởng bởi các phần mềm quản lý và kiểm soát cuộc sống công việc của họ.

Trong ngành công nghệ Trung Quốc, tiến bộ kỹ thuật cao kết hợp với chính sách bảo vệ người lao động còn lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho những hành vi lạm dụng lao động. Bản thân các công ty công nghệ cũng phải cạnh tranh nhau gay gắt để giành các cơ hội kinh doanh mới. Họ đang đi đầu về các công nghệ này.

Từ hoạt động tuyển dụng cho đến đặt mục tiêu hay khen thưởng và sa thải, các công ty tăng cao năng suất lao động luôn cố gắng lượng hóa hành vi của người lao động bằng cách thu thập càng nhiều càng tốt những dữ liệu cá nhân.

Một số học giả cảnh báo rằng có một số hành vi có thể vô đạo đức, nó xâm phạm đến quyền riêng tư của nhân viên, tạo thêm áp lực công việc và gây căng thẳng sức khỏe tinh thần. Không ít người khác nói đến những sự mệt mỏi mà người làm việc trong các nhà máy phải chịu đựng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp nơi mà người lao động phải cố gắng đuổi theo tốc độ của máy móc.

Pinduoduo là một trong những biểu tượng thành công của ngành công nghệ Trung Quốc. Trong vòng 5 năm, Pinduoduo đã đi từ một công ty vô danh thành doanh nghiệp có doanh thu hàng năm lên đến 788 triệu USD và vượt qua cả JD.com để trở thành công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc với giá trị vốn hóa thị trường ước tính 175 tỷ USD chỉ đứng sau Alibaba.

Thế nhưng sự tăng trưởng thần kỳ này cũng có giá của nó. Tháng 12/2020, một nhân viên nữ 22 tuổi đã chết vì đột quỵt khi trên đường đi làm về nhà lúc 1h30 sáng. Cô làm việc cho bộ phận kinh doanh thực phẩm của công ty có tên Duoduo Grocery. Dịch vụ này đã nhanh chóng phát triển bùng nổ ra 300 thành phố của Trung Quốc bởi số lượng đơn hàng tăng vọt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

2 tuần sau đó, thêm một nhân viên Pinduoduo tự tử. Đây là một nam sinh mới ra trường, người này đã kiểm tra ứng dụng tin nhắn một lần cuối cùng trước khi tự tử. Cùng trong tháng đó, một nhân viên khác đăng tải bức ảnh đồng nghiệp của anh này bị đưa ra khỏi văn phòng trên cáng cứu thương lên ứng dụng việc làm Maimai đã bị công ty phát hiện và đuổi việc.

Hàng loạt vụ việc mới nhất không khỏi khiến cho người dùng mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích kịch liệt văn hóa làm việc 996, tức là người lao động làm việc từ 9h sáng đến 9h tối hàng ngày trong 6 ngày/tuần. Thế nhưng rồi mọi cuộc thảo luận cũng sẽ chìm dần đi.

Khi mà giới chức Trung Quốc đang cố gắng phác thảo luật để ngăn các công ty công nghệ thu thập quá mức thông tin liên quan đến người dùng mạng Internet Trung Quốc, chẳng có quy định pháp lý nào bảo vệ quyền riêng tư của người lao động cả, theo chuyên gia về luật bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng tại công ty luật AnJie – ông Samuel Yang.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả