24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bí ẩn đằng sau vụ án thế chấp vàng giả để vay hơn 2 tỷ USD ở Trung Quốc

Hơn một chục tổ chức tài chính Trung Quốc, chủ yếu là các công ty ủy thác, đã cho vay 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) trong 5 năm qua cho công ty Kingold Jewelry với 83 tấn vàng được đóng vai trò là tài sản thế chấp và bảo hiểm nhằm bù đắp mọi tổn thất.

Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Vũ Hán và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán điện tử NASDAQ của Mỹ. Cổ đông đa số của Kingold là ông Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực tại Trung Quốc.

Theo Caixin, ít nhất một vài phần trong số 83 tấn vàng thỏi được sử dụng làm tài sản thế chấp là đồng mạ vàng. Tổng các khoản vay mà Kingold Jewelry chưa trả hiện còn tới 16 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD) trong khi các nhà cho vay thì đang nắm giữ tài sản thế chấp lại là đống vàng giả.

Vụ việc vàng giả được đưa ra ánh sáng vào tháng 2/2020 khi Công ty TNHH Tín thác Dongguan bắt đầu thanh lý tài sản thế chấp của Kingold để trang trải cho các khoản nợ mặc định. Vào cuối năm 2019, Kingold đã không trả được nợ cho các nhà đầu tư trong một số sản phẩm ủy thác.

Dongguan Trust cho biết họ đã phát hiện ra các thỏi vàng được thế chấp lại thực sự là hợp kim đồng mạ vàng. Tin tức về vụ việc này đã loan truyền nhanh chóng đến tai các chủ nợ của Kingold. China Minsheng Trust Co. Ltd., một trong những chủ nợ lớn nhất của Kingold, đã nhận được lệnh của tòa án để kiểm tra tài sản thế chấp trước khi các khoản nợ của Kingold đến hạn.

Vào ngày 22/5, kết quả kiểm tra đã trả về cho biết các thỏi vàng được niêm phong trong kho bạc của Minsheng Trust cũng là hợp kim đồng. Mặc dù vậy, chủ tịch của Kingold, ông Jia Zhihong lại thẳng thừng phủ nhận tất cả các cáo buộc đối với số tài sản thế chấp của công ty.

Tại Trung Quốc, vụ án lớn nhất về lừa đảo cho vay vàng đã xảy ra vào năm 2016 ở tỉnh Thiểm Tây và Hồ Nam. Cơ quan quản lý đã tìm thấy những thỏi vàng bị tạp nhiễm trong 19 kho bạc của các nhà cho vay. Được biết, số vàng giả này được dùng để thế chấp cho khoản vay trị giá 19 tỷ nhân dân tệ. Một trong những nhà cho vay "bị lừa" đã thử nấu chảy số vàng thế chấp và cuối cùng, họ đã tìm thấy các tấm vonfram đen ở lõi các thanh vàng.

Trong trường hợp của Kingold, công ty cho biết họ đã cho vay tiền thông qua thế chấp vàng để bổ sung quỹ tiền mặt, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và mở rộng dự trữ vàng, theo hồ sơ công khai.

Năm 2018, Kingold đã đánh bại một số đối thủ cạnh tranh để mua cổ phần kiểm soát nhà sản xuất phụ tùng ô tô nhà nước Tri-Ring Group. Kingold đã trả 7 tỷ nhân dân tệ tiền mặt cho 99,97% Tri-Ring. Chính phủ Hồ Bắc đã viện dẫn thỏa thuận này như một mô hình của cải cách sở hữu hỗn hợp, nhằm tìm cách khuyến khích các cổ đông tư nhân đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên Kingold đã đối mặt rắc rối khi không thể tiếp cận tài sản của Tri-Ring vì công ty này là đối tượng của một loạt cuộc điều tra và tranh chấp. Sau khi có được kết quả kiểm tra, giám đốc điều hành của Minsheng Trust cho biết họ đã hỏi ông Jia về nguồn gốc của số vàng giả này. Tuy nhiên, những gì mà Minsheng Trust nhận được chỉ là lời phủ nhận thẳng thừng của vị chủ tịch với lời giải thích: "Số vàng mà công ty mua được trong những thời kỳ đầu có độ tinh khiết thấp".

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Caixin vào đầu tháng 6, ông Jia đã phủ nhận rằng số vàng mang đi thế chấp của công ty ông đã bị làm giả. "Làm thế nào mà chúng có thể là giả nếu các công ty bảo hiểm đã đồng ý chấp thuận?", ông nói và từ chối bình luận thêm.

Kể từ đầu tháng 6, Minsheng Trust, Dongguan Trust và một chủ nợ nhỏ hơn Chang’An Trust đã đệ đơn kiện Kingold và yêu cầu PICC P&C bù đắp tổn thất của họ. Phía PICC P & C đã từ chối bình luận với Caixin về vấn đề này nhưng cho biết vụ việc đang trong quá trình xét xử.

Một nguồn tin từ PICC P & C nói với Caixin rằng thủ tục kiện nên được Kingold khởi xướng với tư cách là bên được bảo hiểm chứ không phải là tổ chức tài chính với tư cách là người thụ hưởng. Tuy nhiên phía Kingold đã không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào, nguồn tin cho biết.

Caixin cho biết chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã thành lập một đội đặc nhiệm để giám sát vấn đề này và mở một cuộc điều tra. Vào ngày 24/6, Kingold đã bị gạch tên khỏi sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

Một nhân viên của Dongguan cho biết công ty đã báo cáo vụ việc với cảnh sát vào ngày 27/2, một ngày sau khi kết quả kiểm tra được chuyển. Sau đó, phía Dongguan đã yêu cầu bồi thường 1,3 tỷ nhân dân tệ từ chi nhánh của PICC P&C tại Hồ Bắc.

Theo Caixin, 83 tấn vàng được lưu trữ trong kho của các chủ nợ của Kingold tính đến tháng 6, được thế chấp cho các khoản vay chưa trả trị giá 16 tỷ nhân dân tệ, sẽ tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4.2% dự trữ vàng của nhà nước vào năm 2019.

Được thành lập vào năm 2002 bởi Jia Zhihong, Kingold trước đây là một nhà máy vàng ở Hồ Bắc liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Sau đó, công ty này đã bị tách ra khỏi ngân hàng trung ương trong quá trình tái cấu trúc.

Với hoạt động kinh doanh từ thiết kế, sản xuất và kinh doanh trang sức vàng, Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, theo trang web của công ty. Công ty đã chính thức niêm yết trên Nasdaq vào năm 2010.

Cổ phiếu của công ty hiện giao dịch ở mức khoảng 1 USD, mang lại cho Kingold giá trị thị trường chỉ là 12 triệu USD, giảm 70% so với một năm trước. Một báo cáo tài chính của công ty cho thấy Kingold có 3,3 tỷ USD tổng giá trị tài sản tính đến cuối tháng 9/2019, với khoản nợ gần 2,4 tỷ USD.

Chủ tịch Jia của Kingold, hiện 59 tuổi, từng phục vụ trong quân đội ở Vũ Hán và Quảng Châu và có sáu năm sống ở Hồng Kông. Ông cũng từng quản lý các mỏ vàng thuộc sở hữu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Một số nguồn tin cho biết ông Jia có mối liên hệ tốt ở Hồ Bắc, điều này có thể lý giải cho chiến thắng bất ngờ của Kingold, trong thỏa thuận mua quyền kiểm soát Tri-Ring. Nhưng một nguồn tin trong ngành công nghiệp tài chính ở Hồ Bắc cho biết hoạt động kinh doanh của ông Jia không như vẻ bề ngoài.

"Trong nhiều năm, chúng tôi biết rằng ông ta không có nhiều vàng - tất cả những gì Jia có chỉ là đồng", theo một nguồn tin giấu tên.

Các tổ chức tài chính địa phương ở Hồ Bắc đã tránh làm ăn với Kingold, nhưng họ không muốn thể hiện điều quá công khai, nguồn tin cho biết. "Hầu như không ai trong số các công ty và ngân hàng ủy thác địa phương của Hồ Bắc tham gia cung cấp tài chính cho Kingold", nguồn tin giấu tên cho biết.

Do đó, hồ sơ công khai cho thấy hầu hết các chủ nợ của Kingold đều có nguồn gốc bên ngoài Hồ Bắc. Hiện tại, Minsheng Trust là chủ nợ lớn nhất của Kingold với gần 4,1 tỷ nhân dân tệ, tiếp theo là 3,9 tỷ nhân dân tệ của ngân hàng Hengfeng, 3,4 tỷ nhân dân tệ của Dongguan Trust, 1,9 tỷ nhân dân tệ của Anxin Trust & Investment và 1,8 tỷ nhân dân tệ của Sichuan Trust.

Một số nguồn tin trong ngành nói với Caixin rằng các tổ chức sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho Kingold vì Jia hứa sẽ giúp họ xử lý các khoản nợ xấu. Ngân hàng Hengfeng là ngân hàng thương mại duy nhất liên quan đến vụ Kingold.

Ngân hàng này vào năm 2017 đã cung cấp khoản vay trị giá 8 tỷ nhân dân tệ cho Kingold, đổi lại chủ tịch Jia sẽ đồng ý giúp ngân hàng xóa khoản nợ xấu trị giá 500 triệu nhân dân tệ, các nguồn tin ngân hàng cho biết.

Kingold đã trả một nửa số nợ trong năm 2018. Nhưng việc phát hành khoản vay liên quan đến nhiều bất thường vì quyền truy cập vào số vàng được đảm bảo và các thủ tục kiểm tra đều được kiểm soát bởi Kingold, một nhân viên của Hengfeng cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tài sản thế chấp đã bị làm giả ở nơi xuất phát hoặc bị thay thế sau đó. Các nguồn từ Minsheng Trust và Dongguan Trust xác nhận rằng số tài sản thế chấp đã được kiểm tra bởi các tổ chức thử nghiệm của bên thứ ba và được giám sát chặt chẽ bởi các đại diện từ Kingold.

"Tôi thực sự không thể hiểu được phần nào đã sai", một nguồn tin của Minsheng Trust cho biết. Trong khi đó, hồ sơ ngân hàng cho thấy kho tiền nơi cất giữ tài sản thế chấp không bao giờ được mở.

Các hồ sơ công khai cho thấy rằng, khoản vay được thế chấp bằng vàng đầu tiên của Kingold có thể bắt nguồn từ năm 2013, khi họ đạt được thỏa thuận vay 200 triệu nhân dân tệ từ Chang’An Trust, với 1.000 kg vàng được thế chấp. Khoản vay hai năm này là để tài trợ cho một dự án bất động sản ở Vũ Hán và được hoàn trả đúng hạn.

Trước đó, nguồn tài chính của Kingold chủ yếu đến từ các khoản vay ngân hàng với tài sản và thiết bị làm tài sản thế chấp. Kể từ năm 2015, Kingold đã tăng sự phụ thuộc vào vay mượn được thế chấp bằng vàng và bắt đầu làm việc với PICC P&C để trang trải các khoản vay.

Năm 2016, Kingold đã vay 11 tỷ nhân dân tệ, cao gần gấp 16 lần so với con số năm trước. Theo báo cáo tài chính của công ty, tỷ lệ nợ trên tài sản của công ty đã tăng lên 87,5% từ mức 43,4%. Năm đó, Kingold đã cam kết thế chấp 54,7 tấn vàng, cao gấp 7,5 lần so với năm trước.

Một người gần gũi với chủ tịch Jia cho biết sự gia tăng đột biến của việc vay mượn, một phần là do để đảm bảo thương vụ mua quyền kiểm soát của Tri-Ring. Năm 2016, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã công bố kế hoạch bán cổ phần Tri-Ring cho các nhà đầu tư tư nhân như một cuộc cải tổ lớn của nhà sản xuất phụ tùng ô tô do chính phủ Hồ Bắc kiểm soát.

Năm 2018, Kingold được chọn làm nhà đầu tư trong một thỏa thuận trị giá 7 tỷ nhân dân tệ. Theo kế hoạch đầu tư, việc mua Tri-Ring của Kingold là một phần trong chiến lược mở rộng sang kinh doanh pin nhiên liệu hydro. Nhưng các nguồn tin thân cận với thỏa thuận này cho biết Kingold đã bị Tri-Ring thu hút vì nắm giữ nhiều đất công nghiệp có thể chuyển đổi để phát triển thương mại.

Một tài liệu đầu tư của Dongguan cho thấy Tri-Ring sở hữu các lô đất ở Vũ Hán và Thâm Quyến với trị giá gần 40 tỷ nhân dân tệ. Thỏa thuận này đã gây tranh cãi ngay lập tức khi một số nhà thầu đối thủ đặt câu hỏi về tính minh bạch của quy trình đấu thầu của Kingold.

Theo báo cáo tài chính của Kingold, công ty chỉ có 100 triệu nhân dân tệ tài sản ròng trong năm 2016 và 2 tỷ nhân dân tệ trong năm 2017, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chi trả cho thỏa thuận này.

Mặc dù vậy, phía Kingold đã trả 2,8 tỷ nhân dân tệ cho đợt đầu tiên ngay sau khi công bố thỏa thuận. Phần thứ hai trị giá 2,4 tỷ nhân dân tệ đã được thanh toán vài tháng sau đó với số tiền huy động từ Dongguan Trust. Vào tháng 12, Tri-Ring đã hoàn thành thay đổi đăng ký kinh doanh, đánh dấu việc tiếp quản từ Kingold.

Tuy nhiên, chủ sở hữu mới đã phải đối mặt với những rắc rối khi huy động tài sản của Tri-Ring, vì một loạt các cuộc điều tra tham nhũng xung quanh nhà sản xuất phụ tùng ô tô kể từ đầu năm 2019.

Một phần lớn tài sản của Tri-Ring đã bị đóng băng trong bối cảnh cuộc điều tra và các tranh chấp về nợ sau đó, hạn chế quyền truy cập vào các tài sản. Do những trục trặc bởi thỏa thuận Tri-Ring, tiêu tốn hàng tỷ nhân dân tệ nhưng vẫn chưa thể hoàn vốn, chuỗi vốn của Jia cuối cùng đã bị phá vỡ khi ngân hàng Hengfeng thúc giục trả nợ. Hệ quả là một loạt các sự kiện đưa vụ việc làm vàng giả ra ánh sáng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả