menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Hoài Thương Pro

Bẫy thu nhập trung bình

Những khu công nghiệp vắng lặng. Những con đường lặng lẽ giờ tan ca. Những chị hàng cơm, những mợ hàng tạp hoá mắt mơ màng xa xăm tìm kiếm một bóng xe máy tấp vào.

Người ta đang đổ cho Nga đánh Ukraina, đổ cho lạm phát ở Mỹ, suy thoái ở Châu Âu khiến đơn hàng teo tóp và các nhà máy buộc phải sa thải công nhân. Sa thải nhiều nhất là khối FDI.

Đấy có thể là những biểu hiện lâm sàng. Những lý do dễ đổ lỗi nhất nổi lên trên một căn bệnh nan y mà Việt Nam không phải nước đầu tiên hay cuối cùng có nguy cơ mắc phải:

SA BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Hiểu một cách đơn giản là khi một nền kinh tế tăng trưởng đến điểm mức lương của xã hội quá cao để những doanh nghiệp gia công thâm dụng lao động có thể sống sót. Nhưng mặt khác sức cạnh tranh lại quá yếu đến mức không có sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao nào được thế giới chấp nhận. Xã hội dư thừa một lực lượng khổng lồ những lao động học vấn kém, thiếu được đào tạo chuyên sâu không biết làm những công việc cao cấp. Nhưng qua rồi cái thời chấp nhận công việc chân tay lương thấp.

Những nhà máy FDI dần dần giảm số lượng lao động. Họ sẵn sàng bồi thường vài trăm triệu cho những lao động thâm niên trên 20 năm. Nhưng chả là gì so với việc tìm được một lao động trẻ khoẻ hơn ở nơi khác với mức lương … 1/10 so với Việt Nam.

Tôi đã đi qua những vùng đất ở Nam Á, Myanmar nơi một chàng trai trẻ cao to, đẹp trai, nói tiếng Anh như gió sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà có 1.5 triệu quy tiền Việt mỗi tháng. Cái kiếp gia công cho Âu Mỹ đã chuyển từ Nhật Bản những năm 60 sang Hàn Quốc, Đài Loan những năm 70. Sang Trung Quốc những năm 80 - 90. Sang Việt Nam những năm 90 - 2000. Giờ là thời của Ấn Độ, Bangladesh, Parkistan, Myanmar. Sự khác nhau là những nước gia công trước đó đều đã hoá rồng, vượt cả Âu Mỹ. Giờ là thời khắc, câu hỏi định mệnh cho Việt Nam.

20 năm vừa qua thế giới chỉ chứng kiến 3 quốc gia vượt qua lằn ranh bẫy thu nhập trung bình 15.000usd/người/năm để gia nhập câu lạc bộ những nước công nghiệp phát triển. Đó là Ba Lan, Chi lê và “sự diệu kỳ 1.4 tỷ người Trung Quốc”. Dù các bạn Trung Quốc không bao giờ nhận họ là nước giàu. Nhưng họ đã giàu, đã là siêu cường, đã có sức mạnh công nghệ và quy mô khiến thế giới run sợ. 10 năm trước các chuyên gia cho rằng Malaysia có thể là nước cuối cùng vươn lên khá giả nhờ công nghiệp. Nhưng bằng cách nào đó người Malaysia cũng dậm chân tại chỗ từ đó.

Với dân số 100 triệu người chen chúc trong một diện tích nhỏ hẹp. Việt Nam không có cách nào khác phải vươn lên khá giả bằng phát triển công nghiệp. Dịch vụ và tài chính ư? chúng ta không nhỏ và nằm ở vị trí yết hầu hàng hải như Singapore. Nông nghiệp ư? chúng ta không phải là một nhúm người được ưu đãi một mảnh đất phì nhiêu như New Zealand.

Bằng gia công và sản xuất. Thu nhập đầu người của chúng ta đã bỏ xa Ấn Độ, vượt Phillipines, áp sát Indonesia và bám đuổi quyết liệt Thái Lan. Người Việt giờ đi ra nước ngoài cũng có phần tự tin hơn vì không còn là một quốc gia nhược tiểu, bị cô lập mà đã trở thành một Mid Power (quốc gia có ảnh hưởng).

Mấy năm trời cả nước cuồng loạn trong những cơm bơm thổi. Mảnh đất cứ mua vứt đấy sang năm tăng gấp 3, con coin tăng 10 lần một đêm, con chứng mới mua chưa kịp nóng đít đã đá đi chốt lời x3, x5.

Chả ai còn muốn làm ăn. Tại sao vất vả đầu tư công xưởng, cửa hàng, văn phòng khi làm 10 năm chả bằng tham gia cơn bơm thổi một quý?

Tôi vẫn nhớ những ngày điện thoại đỏ rực với ít nhất 50 cuộc gọi nhỡ của các công ty chứng khoán, địa ốc, môi giới vàng và ngoại hối …

Khi nhà chức trách quyết định phải ngăn cơn điên đó lại trước khi tất cả xuống bùn thì các giá trị thực sự của tăng trưởng mới được nhìn nhận lại.

Tôi vẫn nhớ sự kiêu hãnh và uy thế ra mặt của nhân viên một tập đoàn tài chính - BĐS vô cùng nổi tiếng khi đến làm việc với chúng tôi. Cùng tập đoàn đó hôm nay cổ phiếu rớt 90% giá trị. Chủ tịch ngày ngày đi khóc chính phủ và xã hội giải cứu. Còn khoản nợ mua hàng của chúng tôi thì 6 tháng rồi chưa trả, nhân viên phụ trách đã thay 4 lần và bây giờ không biết gặp ai để đòi.

Cơn bơm thổi của tài chính - BĐS chẳng để lại cho những người thu nhập trung bình gì ngoài cuộc sống khó khăn hơn. Bát phở, nhà trọ, học phí con đều tăng. Nhưng khốn khổ nhất là giá nhà tăng gấp mấy lần khiến khoản tiết kiệm của họ trong nhiều năm lăn lộn chốn thị thành trở nên vô duyên. Giấc mơ có nhà càng xa hơn khi chỉ số giá nhà trên thu nhập trung bình năm vượt qua 20. Tức là hơn 20 năm tiết kiệm không ăn uống sẽ mua được nhà. Nó gấp 3 lần chỉ số trung bình ở Âu Mỹ, nơi phần lớn người dân vẫn chọn ở nhà thuê.

Nhìn sang hàng xóm trung quốc. Trong 10 người giàu nhất Trung Quốc năm 2023 không có ai trong ngành tài chính - Bất Động Sản. Người giàu nhất với tài sản gần 70 tỷ USD là Chung Thiểm Thiểm, một người kín tiếng xuất thân từ thợ mộc và làm giàu từ sản xuất nước suối đóng chai nhãn hiệu Nongfu Spring. Nói vậy không phải ngành tài chính - BĐS không quan trọng. Rất may nó đang trở lại đúng vị trí của nó là Công cụ thiết yếu, tư liệu sản xuất, tiêu dùng của xã hội.

Sự khó khăn hiện tại có phải do lạm phát Âu Mỹ, do bất động sản sa lầy, do chiến tranh Nga - Ukraina? Không phải đâu. DÙ CÁCH NÀY HAY CÁCH KHÁC CHÚNG TA SẼ KHÓ KHĂN vì đây là mốc một quốc gia phải vượt qua trong tiến trình phát triển. Nếu Việt Nam xây dựng được những nhãn hiệu, sản phẩm, ngành công nghiệp, dịch vụ có chỗ đứng trên thế giới thì thu nhập chúng ta tăng trưởng tiếp. Còn nếu không đến đời con cháu cũng loay hoay, ngoi ngóp trong cái vũng của những quốc gia thế giới thứ 3 thôi.

Tôi dành thời gian cuối tuần để viết một bài dài để thể hiện sự kính nể với những người có dũng khí tiên phong mang sản phẩm dịch vụ Việt Nam đi cạnh tranh với thế giới như Trung Nguyên, Vinfast, Viettel, Fpt …

Cũng là cổ vũ những người bạn đang sản xuất, kinh doanh chân chính. Đang ôm những giấc mơ vươn tầm ra thế giới.

Họ có thể lầm lũi, lầm lỡ. Họ có thể chưa giàu và kém sang. Nhưng chính họ đang là những hi vọng để kéo cả một dân tộc ra khỏi miệng hố Bẫy Thu Nhập Trung Bình.

Bây giờ hoặc không bao giờ. Đừng để cháu chúng ta hỏi:

“Ông ơi, suốt ngày ông bảo thế hệ ông vất vả mà sao mình vẫn nghèo?”

Nguồn le danh hoang

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Văn Hoài Thương Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

6 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại